EuroCham: Việt Nam cần cải cách để đảm bảo chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư
TCDN - EuroCham cho rằng, để giữ chân và thu hút thêm vốn FDI trong năm tới, Việt Nam cần xem xét nhanh chóng cải cách chính sách thuế để đảm bảo các lợi ích ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư hiện tại cũng như đưa ra các ưu đãi thay thế.
Ngày 16/2, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Đối thoại giữa doanh nghiệp với chính phủ kết hợp Lễ ra mắt Sách Trắng năm 2023, với chủ đề "Hướng tới Kinh tế xanh và Phát triển bền vững".
Chia sẻ tại phiên đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ, ông Tom McClelland, Chủ tịch của Tiểu ban Thuế và Chuyển giá EuroCham đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp trong năm 2022 với các chính sách thuế hiệu quả bao gồm gia hạn, giảm 2% thuế GTGT, cũng như những thay đổi tích cực và minh bạch của các quy định về thuế như thông tư về quản lý thuế, bao gồm thuế thương mại điện tử.
EuroCham đề xuất 3 vấn đề liên quan đến thuế. Thứ nhất, chính sách ưu đãi để khắc phục tác động của mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% (Trụ cột 2 của OECD)
Theo ông Tom McClelland, thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (GMT) dự kiến sẽ được thực hiện từ đầu năm 2024 và có thể tác động tiêu cực đến việc duy trì và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam do các chính sách ưu đãi thuế địa phương có thể không còn là lợi thế cạnh tranh chính. Do đó, để giữ chân và thu hút thêm vốn FDI trong năm tới, ông Tom McClelland cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần xem xét nhanh chóng cải cách chính sách thuế để đảm bảo các lợi ích ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư hiện tại cũng như đưa ra các ưu đãi thay thế như ưu đãi dựa trên chi phí, thuế nhập khẩu miễn thuế, thời gian miễn thuế đất dài hơn, chi phí nghiên cứu và phát triển…
Thứ hai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào liên quan đến phần thuế GTGT của thuế nhà thầu do nhà thầu nước ngoài nộp trực tiếp thông qua cổng thông tin nộp thuế trực tuyến.
Chủ tịch của Tiểu ban Thuế và Chuyển giá cho biết, từ năm 2022, với việc triển khai hệ thống nộp hồ sơ điện tử trực tiếp, nhiều nhà cung cấp nước ngoài có thể trực tiếp nộp thuế khấu trừ bao gồm cả phần thuế GTGT và thuế TNDN cho cơ quan thuế Việt Nam, thay vì phải khấu trừ bởi các tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam.
“Với cơ chế khai thuế mới này, trong khi các tổ chức doanh nghiệp của Việt Nam vẫn phải nộp đủ số tiền đã bao gồm thuế nhà thầu cho nhà cung cấp nước ngoài thì họ không thể truy thu phần thuế GTGT của khoản thuế nhà thầu như trường hợp trước đây. Điều này gây bất lợi về tài chính cho các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các quy định về thuế GTGT nên được sửa đổi để cho phép các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam được thu hồi phần thuế GTGT này thông qua cơ chế khấu trừ thuế GTGT đầu vào”, ông Tom McClelland nhấn mạnh.
Thứ ba, điều chỉnh giá chuyển đổi trong khai báo hải quan.
Lý giải về đề xuất này, Chủ tịch của Tiểu ban Thuế và Chuyển giá cho hay, các phương pháp định giá chuyển nhượng thuế doanh nghiệp, được sử dụng để xác định giá hàng hóa khi giao dịch giữa các thực thể hoặc công ty liên kết trong một Tập đoàn, có thể yêu cầu các nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu tại Việt Nam thực hiện các điều chỉnh hàng năm đối với giá trị khai báo trước đây hoặc giá trị được lập hóa đơn - dựa trên các tiêu chí được xác định trước.
Tuy nhiên, các quy định Hải quan hiện hành không đưa ra hướng dẫn về việc liệu những điều chỉnh đó có cần phải sửa đổi tờ khai hải quan hay không. Điều này gây khó khăn trong việc xác định giá trị thực của hàng hóa mà pháp nhân Việt Nam và pháp nhân nước ngoài đã thỏa thuận về mặt thương mại với cơ quan thuế Việt Nam để tính thuế. Do đó, ông Tom McClelland đề nghị sửa đổi các quy định về hải quan để hướng dẫn chi tiết việc sửa đổi tờ khai hải quan trong trường hợp điều chỉnh giá đã được thỏa thuận giữa các tổ chức Việt Nam và nước ngoài.
Đặc điểm nổi bật của Sách Trắng là tổng hợp các đóng góp từ 18 Tiểu ban Ngành nghề của EuroCham. Kiến thức, kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cung cấp một đánh giá toàn diện về môi trường pháp lý và những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong các lĩnh vực tương ứng của họ. Tập trung vào các giải pháp thiết thực, Sách Trắng trình bày các khuyến nghị chính sách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý này và tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Sách Trắng nhấn mạnh: Phát triển bền vững không chỉ đến từ việc giảm tác động của hoạt động kinh tế đối với môi trường mà còn giúp tạo ra các cơ hội kinh tế mới, xây dựng một tương lai bền vững hơn cho cả châu Âu và Việt Nam. Phát triển kinh tế xanh và bền vững là nền tảng của một tương lai tươi sáng hơn, và Sách Trắng cung cấp một khuôn khổ có giá trị để đạt được mục tiêu đó.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899