Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19

12/03/2021, 11:11

TCDN - 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% doanh nghiệp tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đây là những con số được đưa ra tại Lễ Công bố Báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam".

Theo báo cáo, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Đối với doanh nghiệp tư nhân các lĩnh vực ảnh hưởng lớn trên 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cư, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…

Đối với doanh nghiệp FDI, ngành nghề ảnh hưởng lớn nhất là doanh nghiệp bất động sản (100%) tiếp đến là thông tin, truyền thông, nông nghiệp thủy sản, sản xuất may mặc, đồ da, dệt, bán buôn, bán lẻ…

Theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp gặp trở lại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn quản trị lao động…

35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã từng cho lao động nghỉ việc do tình hình kinh doanh suy giảm.

Số lao động bị cho nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động trong doanh nghiệp và ảnh hưởng nhiều hơn đến các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Lễ công bố Báo cáo

Lễ công bố Báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam".

Báo cáo cho thấy 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI đã thực hiện ít nhật một biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 như dự trữ hàng hóa, áp dụng cách làm mới, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới…

Về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đa số doanh nghiệp đánh giá các chính sách là hữu ích nhưng các chính sách còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản và đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm tuổi.

“Do tác động của Covid, 2020 cũng là năm mà mức tăng trưởng GDP của đất nước ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây, và cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100 ngàn doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, từ thực tiễn thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị bên cạnh các giải trước mắt đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn.

Đơn cử, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt. Quan trọng hơn, phần lớn các doanh nghiệp đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) với sự hỗ trợ nguồn lực của Chính phủ Úc tiến hành Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”.

Đây là nghiên cứu được tiến hành theo hình thức khảo sát chọn mẫu, với phản hồi từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của Covid-19 và cách thức ứng phó của doanh nghiệp.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan