Tái thiết doanh nghiệp trên đà suy thoái do ảnh hưởng Covid-19 là động lực chính cho tăng trưởng
TCDN - Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Phó Chủ tịch VTCA, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PwC Việt Nam, việc tái thiết sẽ là cần thiết cho mọi doanh nghiệp đang trên đà suy thoái và lực lượng lao động chất lượng cao sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp quốc gia.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho hay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với cơ cấu nền kinh tế, từ chính sách đến hành vi của con người sâu rộng hơn rất nhiều so với các cuộc khủng hoảng khác.
Nếu nhìn trực tiếp vào những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất như vận tải, du lịch, sản xuất thì thấy đại dịch Covid-19 là rất khốc liệt. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số ngành lại có sự tăng trưởng mạnh, đơn cử như ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử…
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, kỹ thuật số… là những công ty kinh doanh phát đạt trong thời Covid-19. Bởi sản phẩm của họ phù hợp với đại dịch vì đã giúp doanh nghiệp khác đối phó lại với Covid-19.
“Trong bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào, đặc biệt với đại dịch Covid-19 luôn là thách thức lớn nhưng cũng đi cùng với cơ hội. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển thì doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức hoạt động để phù hợp với xu thế mới”, bà Vân nhấn mạnh.
Theo Khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC được thực hiện tháng 7 vừa qua, các kết quả cho thấy hai xu hướng chủ đạo được các CEO chú trọng trong thời kỳ Covid-19: ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai. Theo đó, 41% các CEO cho biết phát triển doanh nghiệp theo hướng số hóa và nền tảng trực tuyến là ưu tiên hàng đầu, theo sau là 26% các CEO có kế hoạch xây dựng lực lượng lao động linh hoạt hơn với các chính sách lấy con người làm trọng tâm.
Theo nữ Tổng Giám đốc PwC, tất cả các doanh nghiệp đều phải rà soát lại cách thức hoạt kinh doanh của chính mình. Việc đầu tiên, muốn tồn tại và vượt qua được khủng hoảng thì phải "sửa chữa" những lỗ hổng từ mô hình hoạt động kinh doanh trước đây.
Tiếp đến là xem xét lại mô hình hoạt động, thị trường, quy trình. Không phải phù hợp cho cuộc khủng hoảng này mà cả trong tương lai, vì Covid-19 ảnh hưởng và làm thay đổi rất lớn đến thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét và thiết kế lại hoạt động kinh doanh, thậm chí ngành nghề có còn phù hợp nữa hay cần thay đổi.
“Đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại mô hình kinh doanh và năng lực nội tại, từ đó xây dựng kế hoạch cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra trong tương lai. Để định hướng trước những biến động hiện nay, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy áp dụng tư duy mới, đẩy nhanh việc áp dụng số hóa và chủ động mang đến thay đổi trong doanh nghiệp của mình”, bà Quỳnh Vân nhận xét.
Về việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua các công ty Singapore, theo bà Vân, vốn đầu tư có thể có nguồn gốc từ Mỹ, Hà Lan, từ nhiều quốc gia khác… vì tất nhiên, chính sách, môi trường của Singapore khuyến khích các công ty nước ngoài đặt trụ sở vùng (regional hub), và họ sẽ có lợi ích từ đó. Chúng ta chưa tạo ra được môi trường thuận lợi như vậy, để các công ty đa quốc gia coi Việt Nam là regional hub.
Tổng Giám đốc PwC giải thích: Singapore có diện tích nhỏ, không thể đặt nhà máy, không thể sản xuất được thì họ làm trụ sở vùng. Tất cả những khoản đầu tư đó, họ vẫn hưởng lợi lớn về mặt tài chính, con người. Đổi lại, nguồn chất xám họ cần có để đáp ứng các công ty nước ngoài là rất cao, nên họ cũng phải có chính sách thu hút nhân tài về đó, chứ lao động phổ thông thì không có nhiều. Việt Nam chúng ta chưa có chính sách đó.
Vậy nên, Phó Chủ tịch VTCA cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, thông thường phải thông qua một công ty holding ở đâu đó, quản lý ngồi đâu đó, còn chúng ta chỉ là nhà máy. Nếu chúng ta có nhà máy ở đây, mà chúng ta lại có chính sách tốt hơn, với ưu thế thị trường lớn, thì các công ty đa quốc gia có thể đặt trụ sở vùng ở Việt Nam, tốt hơn nhiều.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899