Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị TP HCM
TCDN - Sáng 16/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 16/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Tiếp sau đó, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Với 87,14% tổng số đại biểu quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, mô hình chính quyền sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) tại quận, huyện, phường trên địa bàn Thành phố.
Đa số ý kiến đề nghị đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường.
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Dự thảo nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng giữ nguyên số lượng đại biểu HĐND Thành phố, gồm 95 đại biểu như quy định của luật hiện hành, nhưng điều chỉnh tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách.
Cụ thể, TPHCM có thể bố trí tối đa 19 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch; mỗi ban của HĐND Thành phố có trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách tại ban như đã thể hiện tại Khoản 2 Điều 2 của Dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Về việc thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền TP. Thủ Đức sau khi được thành lập thì việc Dự thảo nghị quyết này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc TP là cần thiết.
Theo Nghị quyết, HĐND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thường trực HĐND Thành phố gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các ủy viên là Trưởng ban của HĐND Thành phố. Chủ tịch HĐND Thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận; Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận. UBND quận có không quá 3 Phó Chủ tịch.
HĐND thành phố thuộc Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899