Gắn mã số thuế vào thông tin định danh của khách hàng mở tại ngân hàng thương mại
TCDN - Cơ quan thuế sẽ hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc gắn mã số thuế cá nhân đối với các khách hàng đã có thông tin định danh. Qua đó, xây dựng cơ sở dữ liệu hợp tác giữa ngân hàng và cơ quan thuế.
Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề của Tổng cục Thuế, chiều ngày 01/12.
Sẽ có thông tư hướng dẫn vấn đề trao đổi thông tin
Trả lời báo chí về băn khoăn của các ngân hàng khi phải thực hiện ngay việc cung cấp mã số thuế của khách hàng, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về số tài khoản, ngày mở, ngày đóng của khách hàng.
Việc cung cấp thông tin tài khoản khách hàng của ngân hàng cho cơ quan thuế sẽ được hướng dẫn trong thông tư về vấn đề trao đổi thông tin. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật không chỉ thông tin tài khoản mà tất cả thông tin của người nộp thuế.
Cơ quan thuế sẽ xây dựng cơ chế trao đổi thổi thông tin với ngân hàng thương mại, trong đó bao gồm tần suất trao đổi thông tin, lưu trữ ra sao.
Muốn mở tài khoản ngân hàng phải có chứng minh thư, cơ quan thuế sẽ đối chiếu với các dữ liệu của ngân hàng để cung cấp mã số thuế. Theo đó, một mặt ngân hàng phải yêu cầu cá nhân cung cấp mã số thuế, gắn thuộc tính mã số thuế vào thông tin khách hàng. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc gắn mã số thuế đối với các cá nhân đã thông tin định danh. Qua đó, xây dựng cơ sở dữ liệu hợp tác giữa ngân hàng và cơ quan thuế.
Thực tế, từ năm 2016, với sự tham mưu, kiến nghị của các ngân hàng có hoạt động thanh toán với các ngân hàng của Mỹ đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, xin ý kiến các bộ, ngành ký Hiệp định về trao đổi thông tin tài khoản liên quan đến tổ chức, cá nhân là người Mỹ, hoặc những người sinh sống tại Mỹ. Tức là các ngân hàng thương mại Việt Nam phải cung cấp thông tin tài khoản, trong đó không chỉ có thông tin định danh mà còn có thông tin về các giao dịch cho cơ quan thuế của Mỹ.
Như vậy, ngay từ năm 2016 các ngân hàng thương mại đã có khả năng theo dõi nội dung tài khoản, cung cấp thông tin tài khoản cá nhân của doanh nghiệp liên quan đến Mỹ để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế của Mỹ.
Trên cơ sở đó, việc Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin đối với cơ quan thuế trong nước không phải là vấn đề khó khăn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
"Mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác, một ngày nào đó, cơ quan thuế sẽ tìm ra. Nếu một cá nhân đã thanh toán, hồ sơ thanh toán vẫn lưu dấu vết, cơ quan thuế sẽ có biện pháp khác nhau để thu và sẽ thu được thôi. Nếu anh là người giao dịch mạnh mẽ và giao dịch nhiều trên môi trường thương mại điện tử, anh không thể nào mãi ẩn danh được, rồi chúng tôi sẽ tìm ra thôi", ông Minh nói.
Về cưỡng chế thuế với các tài khoản, ông Minh khẳng định pháp luật hiện hành cho phép thực hiện đồng bộ 7 biện pháp cưỡng chế, trong đó có: Thông báo, nêu tên, yêu cầu nộp thuế qua tài khoản, khống chế hóa đơn.. Tùy vào trường hợp và điều kiện, cơ quan thuế sẽ cân nhắc sử dụng biện pháp nào cho hiệu quả nhất, mục tiêu cuối cùng là làm sao thu được thuế mạnh.
Không để thực hiện các hoạt động giao dịch bất thường
Liên quan đến vấn đề khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh, việc khuyến khích thanh toán qua ngân hàng để giảm thiểu hoạt động tiền mặt, nhưng không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng để thực hiện các hoạt động giao dịch bất thường. Việt Nam đã có các quy định về chống rửa tiền, chống luồng tiền bẩn.
Tổng cục Thuế thường xuyên nhận được các thông tin cảnh báo của Nhân hàng Nhà nước về các giao dịch bất thường, đặc biệt, hiện vấn đề gian lận thuế giá trị tăng cũng được thực hiện bằng phương thức thanh toán qua ngân hàng.
Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 137/TTr-BTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về giải pháp cơ cấu lại nguồn thu Ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở phê duyệt của Lãnh đạo Chính phủ tại công văn số 11001/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Tài chính: “Phê duyệt, tổ chức thực hiện ngay các giải pháp liên quan đến công tác hành thu tại Đề án theo chức năng, thẩm quyền và quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 276/QĐ-BTC để tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại Đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 như: xây dựng các Thông tư hướng dẫn Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14; xây dựng quy trình đăng ký thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số; xây dựng cơ chế đơn giản hoá tuân thủ kê khai xác định giá giao dịch liên kết, phù hợp với cơ chế quản lý theo rủi ro; tiếp tục thực hiện giải pháp chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh...Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hóa đơn, chứng từ; Giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế, chống chuyển lợi nhuận, ngăn ngừa trốn, tránh thuế.
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (khoản 2, khoản 3 Điều 30) quy định:
“2. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế…
3. Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp ở nước ngoài)…”
email: [email protected], hotline: 086 508 6899