Giá dầu thế giới giảm tuần thứ hai liên tiếp
TCDN - Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm lần lượt 5,7% và 5,5%.
Bất chấp đà tăng trong phiên cuối tuần, giá dầu thế giới tuần qua vẫn ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, giữa bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” sụt giảm, trước tác động của thương chiến Mỹ-Trung và những số liệu đáng thất vọng từ kinh tế Mỹ.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm lần lượt 5,7% và 5,5%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (30/9), giá dầu đi xuống khi những lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung và tình hình căng thẳng ở Trung Đông dịu xuống, trong đó giá dầu Brent Biển Bắc vẫn ghi nhận mức giảm theo quý lớn nhất trong năm nay trước những lo ngại về nhu cầu do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên ngày 1/10 khi số liệu kinh tế yếu của Mỹ tác động tới triển vọng nhu cầu dầu và gây sức ép lên giá.
Theo kết quả khảo sát từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), hoạt động chế tạo tháng Chín của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tác động lên xuất khẩu.
Chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ đã giảm xuống 47,8, so với mức 49,1 của tháng trước đó. Chỉ số sản xuất ở dưới ngưỡng 50 là dấu hiệu của sự sụt giảm.
Tới phiên 2/10, giá dầu giảm tới 2% sau khi những số liệu chính thức cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã gia tăng, qua đó càng khiến thị trường lo lắng về khả năng dư cung.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 3,1 triệu thùng trong tuần trước. Con số này vượt xa mức kỳ vọng tăng 1,6 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Ông Gene McGillian, Phó Chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu thị trường tại công ty tư vấn đầu tư Tradition Energy, nhận định rằng yếu tố chính khiến thị trường lao dốc là những dấu hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng nhu cầu năng lượng yếu đi. Điều này thể hiện ở “màn trình diễn” đáng thất vọng của lĩnh vực chế tạo của Mỹ trong tháng Chín vừa qua.
Sang phiên 3/10, cả hai mặt hàng dầu chủ chốt Brent và WTI đều có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng Tám, sau khi các số liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố.
Lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong ba năm trong tháng Chín.
Ông Bob Yawger, một giám đốc của Mizuho tại New York cho biết, lượng dầu dự trữ thể hiện mặt cung, còn số liệu kinh tế phản ánh mặt cầu, và cả hai khía cạnh này đều đang trong tình trạng không được tốt.
Trong phiên cuối tuần (4/10), giá dầu lấy lại đà tăng, khi số liệu khả quan về thị trường lao động Mỹ giúp xoa dịu phần nào những lo ngại rằng sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 66 xu (1,14%) lên 58,37 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 36 xu (0,7%) lên 52,81 USD/thùng.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, thị trường lao động nước này tăng trưởng vừa phải trong tháng Chín, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm.
Tuy nhiên, nhà phân tích Carsten Fritsch, thuộc Commerzbank, nhận định thống kê đáng lo ngại về hoạt động chế tạo cũng như dịch vụ không phải là “tin tức tốt lành” đối với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, khi có thể khiến nhu cầu vận chuyển giảm sút.
Về phía nguồn cung, Saudi Arabia cho biết, nước này gần như đã khôi phục hoàn toàn sản lượng vào cuối tháng Chín.
Thống kê cho thấy trong quý III/2019, giá dầu Brent giảm 8,7%, mức giảm theo quý lớn nhất kể từ quý IV/2018, khi giá giảm đến 35%.
Giá dầu WTI cũng giảm 7,5% trong quý III/2019, do nhu cầu dầu tăng yếu trước những lo ngại rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu.
Kết quả một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy dầu có thể vẫn vững giá trong năm nay, trước các cú “sốc” về nguồn cung như vụ tấn công ở Saudi Arabia và nhu cầu ảm đạm.
Giới phân tích dự đoán giá dầu Brent và dầu WTI trung bình sẽ ở các mức lần lượt là 65,19 USD/thùng và 57,96 USD/thùng trong năm 2019./.
Theo BNews
email: [email protected], hotline: 086 508 6899