Giá vàng có thể lên tới 7.500 USD/ounce
TCDN - Dù mức giá 7.500 USD/ounce có vẻ khó tin, Forbes tin rằng kịch bản cũ có thể xảy ra lần nữa. Thậm chí, tờ báo cho rằng lần tăng giá này thậm chí có khả năng phá đỉnh những lần trước, bởi những thách thức chưa từng có thế giới đang phải đối mặt.
Vàng luôn luôn là tài sản đầu tư an toàn mà cả thế giới ưa chuộng. Trải qua 5.000 năm lịch sử, bất kể thời kì nào nền kinh tế, chính trị trở nên bất ổn, bất định, từ thị trường mất giá đến chiến tranh nổ ra, vàng luôn giữ vị trí số một.
Nói cách khác, không khoản đầu tư hay một loại tài sản nào có khả năng đánh bật sự ưu việt của vàng, nhìn trên góc độ dài hạn.
Trong suốt lịch sử, vàng luôn duy trì sức mua lớn mà không khoản đầu tư thay thế nào có thể đánh bại. Forbes nhận định vàng chính là đồng tiền chung toàn cầu, được biết đến và chấp nhận trên mọi ngõ ngách của thế giới.
Bên cạnh đó, kim loại quí này có tính bền và thẩm mĩ cao, khiến nó hấp dẫn hơn so với các phương tiện trao đổi trung gian khác, điển hình như tiền giấy. Vàng có giá trị riêng, không dựa vào bất kì chính phủ hay ngân hàng trung ương nào để tồn tại.
Những đặc tính đó cùng nhiều lí do khác chính là lí do khiến vàng được săn đón hàng thế kỉ qua, giúp nó trường tồn qua nhiều thăng trầm.
Đà tăng giá hiện tại của vàng bắt đầu từ năm 1971, ngay khi đồng USD rút khỏi bản vị vàng. Trong giai đoạn này, vàng và đồng USD lần đầu tiên được giao dịch tự do trên thị trường. Trước đó giá vàng cố định trong vài thập kỉ, rồi nhanh chóng tăng sau khi Mỹ phá Thỏa thuận Bretton Woods.
Chỉ sau một thập kỉ, giá vàng tăng vọt 2.329%, từ 35 USD/ounce lên 850 USD/ounce, tạo đà tăng giá. Giá vàng giảm 20 năm tiếp theo, chạm đáy vào năm 2001, trùng với thời kì bong bóng công nghệ sụp đổ trên thị trường chứng khoán.
Mặt khác, năm 2001 cũng chính là năm đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) can thiệp vào thị trường chứng khoán. Thời điểm ấy, theo lời chuyên gia đầu tư Tom Dyson, chính là "hạt giống" gieo mầm kỉ nguyên in tiền.
Minh chứng rõ ràng nhất chính là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2007-2008, đẩy nền kinh tế Mỹ tới bờ vực sụp đổ. Giới chức Mỹ lúc bấy giờ buộc phải triển khai các chương trình vực dậy kinh tế, bơm vào hàng "núi" tiền.
Nhờ khoản thanh khoản mới, thị trường chứng khoán sống sót qua giai đoạn khó khăn nhất thập kỉ trước.
Quyết định táo bạo ấy củng cố vai trò kiểm soát cho vay của Fed, và vai trò cứ tăng dần một cách rõ rệt trước khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây nên. COVID-19 làm tê liệt nền kinh tế Mỹ, đẩy cường quốc này vào cuộc suy thoái sâu sắc chưa có hồi kết.
Đối phó với tình hình này, Fed cùng các ngân hàng trung ương một số quốc gia khác hạ lãi suất xuống gần 0% kéo dài vài năm tới nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Đây là tình huống chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử ghi lại của loài người. Khủng khiếp hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch COVID-19 khởi nguồn cho đợt in tiền lớn nhất lịch sử.
Cùng xuất phát điểm, vàng tăng giá trị, tiền mất giáChỉ trong năm 2020, Fed in hàng nghìn tỉ USD - gấp ba lần khoản chi tiêu những năm kế tiếp cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều hơn tổng số tiền Mỹ bỏ ra để chi trả cho tất cả cuộc chiến tranh của Mỹ. Forbes tin rằng Fed sẽ còn tiếp tục in tiền chừng nào suy thoái còn tiếp diễn, và con số bơm vào nền kinh tế sẽ rất khủng khiếp.
Dịch bệnh COVID-19 duy trì xu hướng tăng với số ca nhiễm leo thang mỗi ngày cho thấy rất có thể tình hình sẽ càng trầm trọng và kéo dài hơn dự đoán ban đầu. Thực tế ấy cho thấy Fed sẽ còn bơm tiền nữa, thậm chí bơm nhiều năm tới.
Đợt in tiền chưa có hồi kết đã thúc đẩy thị trường vàng tăng giá ngoạn mục, song thực chất nó đã bắt đầu từ năm 2015.
Sự khác biệt giữa hiện tại và lúc bấy giờ là năm 2015, Fed vẫn còn sức chịu đựng. Hiện nay, Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang ngập trong nợ nần, hậu thuẫn đợt tăng giá vàng kéo dài đến nhiều năm tới.
Nhu cầu sở hữu vàng hiện tại rất lớn, vốn duy tri trong vài năm trở lại đây, tạo áp lực đẩy giá vàng tăng cao. Mặt khác, một khi lạm phát tăng lên do các quốc gia in tiền quá nhiều, vàng sẽ còn trở nên hấp dẫn hơn nữa.
Ngoài ra, đồng USD dự kiến sẽ còn giảm mạnh, và có thể đợt giảm như năm 1971 sẽ tái xuất hiện, cung cấp "nhiên liệu" để thị trường vàng tiếp tục khởi sắc. Nếu lần tăng giá này lặp lại các kịch bản cũ, giá vàng có thể tăng vọt lên mức 7.500 USD/ ounce hoặc hơn.
Dù mức giá 7.500 USD/ounce có vẻ khó tin, Forbes tin rằng kịch bản cũ có thể xảy ra lần nữa. Thậm chí, tờ báo cho rằng lần tăng giá này thậm chí có khả năng phá đỉnh những lần trước, bởi những thách thức chưa từng có thế giới đang phải đối mặt.
Forbes nhận định, dù vàng tăng cao đến bao nhiêu thì kim loại quí này vẫn giữ vững danh hiệu khoản đầu tư tốt nhất trước tình hình hiện nay. Lợi suất đầu tư của vàng sẽ vượt qua đầu tư vào trái phiếu lẫn cổ phiếu, theo Forbes.
Cuối cùng, Forbes cổ vũ nhà đầu tư xem xét thị trường vàng, bạc hoặc cổ phiếu các công ty kim loại quí. Theo họ, những thời điểm giá giảm là lúc lí tưởng để gia nhập cơn sốt vàng.
Đặc biệt, nhà đầu tư có thể chú ý các công ty non trẻ thay vì các doanh nghiệp lâu năm, do những "đấu thủ mới" thường vượt trội hơn. Song, Forbes cũng cảnh báo không phải công ty mới nào cũng như nhau, nên nhà đầu tư nên cân nhắc kĩ càng trước khi rút hầu bao sở hữu cổ phần các công ty vàng, bạc.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899