Giai đoạn 2021 - 2025: Dự kiến tổng mức vốn đầu tư trung hạn là 2,7 triệu tỷ đồng

21/10/2020, 19:46

TCDN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.750 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 1.380 nghìn tỷ đồng (gồm vốn nước ngoài: 300 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước: 1.080 nghìn tỷ đồng).

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua với tổng mức vốn đầu tư tối đa là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 1,12 triệu tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng, vốn trong nước 820 nghìn tỷ đồng; Vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 880 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hiệu quả đầu tư công đã từng bước cải thiện, đầu tư tập trung, số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm dần. Tổng số dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 11.100 dự án (không bao gồm các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia), trong đó có 9.152 dự án hoàn thành (bao gồm 1.798 dự án đã hoàn thành giai đoạn trước), bằng 83,2% tổng số dự án đã được giao kế hoạch trung hạn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm dần, số vốn bố trí bình quân cho một dự án kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, hệ số ICOR giai đoạn 2016 - 2019 là 6,1 thấp hơn so với mức gần 6,3 của giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu đầu tư cũng có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách, vai trò chủ đạo của NSTW chưa được phát huy. Chi đầu tư trung ương thấp hơn chi đầu tư địa phương ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; nhiều nhiệm vụ chi chưa cân đối được nguồn vốn để giải quyết dứt điểm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, mục tiêu, định hướng đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, giữ vững vai trò chủ đạo của NSTW.

Chính phủ sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, dự án kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án tạo sự lan tỏa lớn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền. 

Về dự kiến phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 là 2.750 nghìn tỷ đồng, gồm: Vốn NSTW: 1.380 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn nước ngoài: 300 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước: 1.080 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến vốn nước ngoài khoảng 300 nghìn tỷ đồng, trong đó: dự phòng chung 10% là 30 nghìn tỷ đồng, phân bổ chi tiết cho các dự án là 270 nghìn tỷ đồng.

Vốn trong nước là 1.080 nghìn tỷ đồng, trong đó dự phòng chung 10% là 108 nghìn tỷ đồng, còn lại 972 nghìn tỷ đồng. Dự kiến phân bổ bổ sung có mục tiêu cho địa phương tối đa không quá 270 nghìn tỷ đồng; bố trí vốn cho các bộ, cơ quan trung ương không thấp hơn 270 nghìn tỷ đồng; bố trí vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia là 100 nghìn tỷ đồng.

Bố trí vốn cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể khoảng 332 nghìn tỷ đồng, bao gồm: dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm, kết nối, có tác động lan tỏa liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án đường ven biển, dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, nghĩa vụ thanh toán của NSTW.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, vốn cân đối NSĐP là 1.370 nghìn tỷ đồng, sau khi để lại 10% dự phòng chung 137 nghìn tỷ đồng, còn lại 1.233 nghìn tỷ đồng, dự kiến phân vốn phân bổ theo nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 là 509 nghìn tỷ đồng; Vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 495 nghìn tỷ đồng; Vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 208 nghìn tỷ đồng.

Bội chi NSĐP là 21 nghìn tỷ đồng, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư vốn NSĐP hằng năm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội quyết định bội chi NSĐP từng năm, nếu thiếu sẽ bổ sung từ dự phòng chung vốn NSĐP.

Vũ Nam
Bạn đang đọc bài viết Giai đoạn 2021 - 2025: Dự kiến tổng mức vốn đầu tư trung hạn là 2,7 triệu tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan