Giải ngân vốn bồi thường tại Tp.HCM: "Trên nóng dưới lạnh"
TCDN - Tính đến nay, Tp.HCM mới chỉ giải ngân được gần 500 tỷ đồng, chiếm hơn 2% vốn bồi thường, trong khi theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tp.HCM là phải đạt hơn 95% trong năm nay.
Mới giải ngân được 2,4%
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Tp.HCM, trong năm 2023, Thành phố có 134 dự án được ghi vốn bồi thường với tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng, cộng với số tiền gần 4.200 tỷ đồng của các dự án bồi thường trong năm 2022, tổng đến năm 2023 Tp.HCM cần giải ngân nguồn vốn khoảng 25.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường.
Tuy nhiên, tính đến ngày 10/5, các địa phương chỉ giải ngân được 484 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,4%. Đáng chú ý, trong đó có nhiều quận/huyện chưa giải ngân được đồng vốn bồi thường nào, điển hình như các quận: 3, 5, 7, 8, Bình Tân, Phú Nhuận và các huyện: Củ Chi, Nhà Bè. Đối với các quận/huyện này, toàn bộ số vốn đang nằm ở kho bạc. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quận/huyện đang có tỷ lệ phân bổ vốn bồi thường lớn nhưng giải ngân rất thấp, như: Gò Vấp, Bình Tân.
Theo đánh giá của Sở TN-MT, tỷ lệ này là rất thấp, không đạt theo yêu cầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, nhưng chủ yếu là do các địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, dẫn đến việc các chủ đầu tư xây lắp không thể giải ngân được các nguồn vốn.
Quan trọng hơn, Sở TN-MT còn chỉ ra rằng, các địa phương không lập kế hoạch chi tiết từng tháng hoặc kế hoạch chưa rõ ràng, số liệu chưa chính xác cho công tác bồi thường. Mặt khác, có địa phương thường xuyên không gửi báo cáo cũng như không thực hiện báo cáo đúng thời gian hoặc nội dung báo cáo mang tính đối phó, sơ sài (như tại quận 6).
Thêm vào đó công tác bồi thường rất phức tạp, nhiều vướng mắc phát sinh, tuy nhiên khi họp tháo gỡ thì lãnh đạo địa phương ít tham dự, thậm chí có các địa phương, như các quận: 1, 3, 4, 6, 7 không tham dự buổi nào.
Khả năng "bể" kế hoạch
Theo chị đạo của Chủ tịch UBND Tp.HCM, trong năm 2023 sẽ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng trên 95%, tuy nhiên, với tình hình hiện nay, Sở TN-MT dự báo chỉ đạt khoảng 70%. Như vậy, việc hoàn thành kế hoạch giải ngân 70% trong 6 tháng cuối năm đã là rất khó khăn, thách thức, chứ chưa nói con số 95% như tinh thần của Chủ tịch UBND Tp.HCM chỉ đạo.
Ông Võ Trung Trực Phó Giám đốc Sở TN-MT Tp.HCM cho biết: "Khối lượng công việc còn rất nhiều, tuy nhiên việc phối hợp, chấp hành của lãnh đạo các địa phương, sự quan tâm chỉ đạo của các đơn vị tại quận/huyện là chưa đạt. Khi mời lên làm việc lại cử cán bộ không chuyên trách, không nắm nội dung đi họp nên không giải quyết được vấn đề. Vì vậy đến thời điểm này mà không khẩn trương, quyết liệt thì 70% của hơn 20.000 tỷ vốn bồi thường cũng khó giải ngân, chứ đừng nói đến con số 95%".
Đang có câu chuyện "trên nóng dưới lạnh", sợ trách nhiệm, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của lãnh đạo các địa phương tại Tp.HCM. Từ đây, Sở TN-MT kiến nghị Chủ tịch UBND Tp.HCM chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân từng tháng để đạt được mục tiêu giải ngân đề ra.
Điểm sáng Vành đai 3
Theo thống kê, đến nay trong tổng số 134 dự án được ghi vốn bồi thường với tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng, có 21 dự án chưa báo cáo đầy đủ, 45 dự án chưa báo cáo. Trong công tác giải ngân vốn bồi thường có điểm sáng Vành đai 3. Tính đến ngày 12/5, tính chung tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Tp.HCM đạt hơn 8.236 tỷ đồng, chiếm 20% tổng số vốn giao đợt 1. Nếu tính tổng mức vốn Thủ tướng giao hơn 70.000 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt gần 12%, trong đó phân lớn là do giải ngân được nguồn vốn dự án Vành đai 3, hiện đã có hơn 300 người dân nhận tiền bồi thường với số tiền gần 1.500 tỷ đồng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899