Giải nỗi lo thiếu chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số

11/11/2022, 14:10

TCDN - Lo ngại thiếu chi phí đang là rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa coi chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn. Phần lớn các doanh nghiệp chưa ứng dụng giải pháp số cho hệ thống phê duyệt nội bộ trực tuyến cũng như phần mềm quản lý văn bản và điều hành trực tuyến.

nguoi-thu-nhap-thap-doanh-nghiep-vua-va-nho-dan-tiep-can-voi-thanh-toan-ky-thuat-so

Chỉ ứng dụng trong bán hàng, quản trị kinh doanh, thanh toán

Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số. Cụ thể, 60,1% doanh nghiệp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 52,3% khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh cũng như thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; 45,4% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 38,5% khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; trên 32% thiếu sự cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp...

Kết quả khảo sát với 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI cũng cho thấy rõ điều này. Có tới 85,2% doanh nghiệp thiếu nguồn lực tài chính trong ứng dụng công nghệ số; trên 81% doanh nghiệp thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, 77% thiếu nguồn nhân lực chuyên môn để tiếp cận công nghệ số, trên 65% thiếu các công ty hay chuyên gia tư vấn đủ tầm, đủ tin cậy...

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, cản trở lớn nhất của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số nằm ở phần chi phí. Hiện nay, chi phí ứng dụng công nghệ số còn cao so với doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa) cũng đánh giá, tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. Trong đó, 99% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về vốn, nên thường coi chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn.

Chính vì vậy, mức độ ứng dụng giải pháp số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn hạn chế. Hầu như chưa có doanh nghiệp nhỏ và vừa nào ứng dụng giải pháp số cho hệ thống phê duyệt nội bộ trực tuyến cũng như phần mềm quản lý văn bản và điều hành trực tuyến. Chỉ có 146 doanh nghiệp ứng dụng phần mềm quản lý nhân sự. Duy nhất phần mềm kế toán được các doanh nghiệp ứng dụng nhiều nhất, có tới 748 doanh nghiệp.

Chia sẻ bức tranh chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay dù có xu hướng mới trong bối cảnh Covid-19 nhưng mức độ thành thạo của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số tương đối hạn chế, mới chỉ ứng dụng trong lĩnh vực bán hàng, quản trị kinh doanh, thanh toán,... còn chế biến, chế tạo, quản lý chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ ở mức rất thấp.

Trong từng lĩnh vực, chuyển đổi số cũng ở mức khác nhau. Ngành nông nghiệp, dù Việt Nam được biết đến với các mặt hàng nông sản nổi tiếng thế giới như cà phê, gạo, chè,... tuy nhiên, quá trình sản xuất vẫn nhiều giai đoạn thủ công, một số công nghệ tiên tiến như tưới tiêu thông minh ở mức 50-70%.

Lĩnh vực chế biến thực phẩm có khoảng cách khá xa giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp lớn sử dụng công nghệ số khá mạnh, ngược lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu sử dụng máy móc có con người vận hành...

Trong lĩnh vực dệt may, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn song công nghệ số trong khu vực này mới chiếm khoảng 16%. Riêng công đoạn thiết kế đã được ứng dụng công nghệ số nhiều, 63% doanh nghiệp có máy cắt hiện đại.

Từ góc nhìn công nghệ, ông Tuấn dẫn khảo sát năm 2021 của CISCO cho thấy đối với Việt Nam chỉ 18% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua nâng cấp hệ thống phần cứng công nghệ thông tin, 18% đầu tư vào điện toán đám mây và 11% đầu tư vào hệ thống an toàn, an ninh mạng...

Mặt khác, 16% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng thiếu thích nghi với môi trường số, 14% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không biết chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, 12% cho rằng thiếu rất nhiều công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số. 70% nghi ngờ chuyển đổi số có mang lại lợi ích nào không.

Quyết tâm từ người lãnh đạo cao nhất

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó trên 90% là các SME thiếu vốn, thiếu nền tảng công nghệ, thiếu nhân lực… Nếu không dùng nền tảng số, sẽ không thể nào đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong các SME. “Các nền tảng số có thể dùng được ngay, không lo phải có hệ thống công nghệ, nhân lực công nghệ để vận hành quản trị”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Trần Minh Tuấn, muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải có quyết tâm từ người lãnh đạo cao nhất. Tiếp đến, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và trong nước, học hỏi từ các doanh nghiệp đi trước.

Theo ông Tuấn, cần nghiên cứu kỹ những bước chuyển đổi số và đánh giá thử độ chín của chuyển đổi số với doanh nghiệp mình. Hiểu kỹ rồi mới gặp các nhà tư vấn và quyết định chọn nền tảng nào, công cụ nào để chuyển đổi số. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không hiểu kỹ vấn đề của chính mình, hoàn toàn trông cậy vào các nhà tư vấn. Trong khi đó, phía tư vấn không thể hiểu rõ về doanh nghiệp nên lạc lối.

IMG-8261

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Wincom cho biết, chi phí về công nghệ trong chuyển đổi số chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí. Việc mua phần mềm về ứng dụng vào hoạt động kinh doanh không khó, vấn đề là phải khai thác được giá trị của nó.

“Muốn vậy, doanh nghiệp phải hiểu rõ những vấn đề của mình, cần giải quyết như thế nào. Tức là phải có đầu bài và quy trình rõ ràng, sau đó làm việc với đối tác về chuyển đổi số để họ nắm và hiểu rõ các vấn đề của doanh nghiệp, từ đó đưa ra phương án phù hợp”, ông Hải nói.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) thông tin, Tập đoàn đã thiết kế một nền tảng tích hợp tất cả về quản trị doanh nghiệp với tên gọi One SME để phục vụ SME, thực hiện theo hình thức giống như thuê bao điện thoại, có trả phí hàng tháng.

“Số phí phù hợp với từng doanh nghiệp nhỏ. Hoạt động của ứng dụng do nhân lực của VNPT điều hành. Chúng tôi có mạng lưới bưu chính, viễn thông rộng khắp cả nước đang triển khai hoạt động này, với hàng trăm ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ, qua đó giải bài toán cho SME về chuyển đổi số”, ông Thái cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital, trong quá trình chuyển đổi số, các SME có những nét đặc thù riêng so với các doanh nghiệp lớn. Những đặc thù đó có thể đến từ câu chuyện về nguồn nhân lực mỏng hay tiềm năng tài chính hạn chế so với các doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, các SME phải tính toán, phân tích cẩn thận để quá trình chuyển đổi số được thực thi nhanh hơn, hiệu quả hơn, đòi hỏi những kỹ năng và sự đồng lòng trong toàn bộ tổ chức.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó chủ tịch VCCI cũng cho rằng, chuyển đổi số không thể diễn ra trong một sớm một chiều và có không ít khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là với các SME. Chiến lược chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực, thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Giải nỗi lo thiếu chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển mình trong kỷ nguyên số
Ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển bền vững doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp hỗ trợ thực sự thiết thực và hiệu quả.