Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển mình trong kỷ nguyên số
TCDN - Ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển bền vững doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có các giải pháp hỗ trợ thực sự thiết thực và hiệu quả.
Hiệu quả vận hành cao hơn
Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Với đóng góp như vậy, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế. giải pháp
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu trước những biến động của môi trường kinh doanh, môi trường xã hội, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng này. Bên cạnh đó, Viện Tin học - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng triển khai Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022 - 2026.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA Lê Hồng Quang, làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt nhịp xu thế để không bị tụt hậu trên thị trường. Phần lớn các doanh nghiệp ứng dụng thành công chuyển đổi số đều mang lại hiệu quả vận hành cao hơn các doanh nghiệp kinh doanh, vận hành theo mô hình truyền thống. Theo tính toán từ các chuyên gia, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận, tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40% và tiết kiệm 50% chi phí quản lý, nhân sự. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của chuyển đổi số với các doanh nghiệp trong thời đại 4.0, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số bởi quy mô nhỏ, nguồn tài chính hạn hẹp, nhân sự về công nghệ thông tin thiếu và yếu...
Trên thực tế, một số doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số đạt những thành quả nhất định. Điển hình như Yody là một thương hiệu thời trang với hơn 160 cửa hàng trên cả nước, 6 văn phòng và quy mô nhân sự khoảng hơn 4.000 người. Trước khi chuyển đổi số, Yody gặp không ít khó khăn khi phải quản lý dữ liệu thông tin về hồ sơ nhân sự từ xa, gây tốn kém thời gian và chi phí. Yody đã lựa chọn nền tảng 1Office để số hóa toàn bộ quy trình công việc và quản lý nhân sự. Anh Ðinh Trung Sơn, Giám đốc nhân sự của Yody, chia sẻ: Áp dụng nền tảng 1Office, Yody đã giải quyết được bài toán mang tính khác biệt của mình, như: Dữ liệu nhân sự được cập nhật kịp thời, chính xác; các đơn từ duyệt chi được chuyển từ giấy tờ sang phần mềm một cách nhanh, đầy đủ và giảm thất thoát do việc chấm công từ ứng dụng excel sang phần mềm bảo đảm tính chính xác lương cho nhân viên, mà trước đó việc chấm công bằng excel có thể bị nhầm lẫn. Việc số hóa, lưu trữ giúp tra cứu thông tin, tình trạng làm việc, hợp đồng và nhiều tác vụ khác. Tất cả tác vụ tra cứu, quản lý nhân sự, chấm công được thực hiện trực tuyến một cách hiệu quả trên nhiều loại thiết bị máy tính, điện thoại thông minh và mọi lúc, mọi nơi.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, đại diện Bộ phận dịch vụ của AEON khu vực miền bắc cho biết: "Chúng tôi luôn cố gắng tích cực chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới để có thể phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn".
Không chỉ thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng, các chủ doanh nghiệp cũng chủ động tìm hiểu, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả. Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades) Nguyễn Thế Hùng cho biết: "Vinades có hai văn phòng ở Hà Nội và Quảng Trị, nhưng 100% nhân sự làm việc phân tán ở 11 tỉnh, thành phố, không cần đến văn phòng. Nhờ chuyển đổi số, áp dụng mô hình 5 cấp độ làm việc từ xa, cho phép tất cả nhân viên được làm việc linh hoạt ở bất cứ đâu. Các nhân sự của doanh nghiệp có thể đi du lịch mà bảo đảm công việc qua các kênh trực tuyến thì vẫn được coi là đang làm việc, được chấm công bình thường. Mô hình này phát huy hiệu quả, giúp doanh thu và lợi nhuận đều tăng hơn trước".
Công ty TNHH may Phú Tường tại thị xã Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành dệt may miền trung thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản trị sản xuất từ khâu tiếp nhận vật tư, nguyên vật liệu cho đến khi hoàn tất đơn hàng xuất đi nước ngoài. Lâu nay, quy trình quản lý của doanh nghiệp chủ yếu theo phương thức thủ công, đơn giản cho nên không quản lý được số lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ công nhân, số lượng hàng hóa, lượng nguyên vật liệu, tiến độ của các bộ phận và chất lượng sản phẩm, ra quyết định chậm trễ do không có dữ liệu. Từ khi áp dụng nền tảng quản trị sản xuất Retex, Công ty TNHH may Phú Tường đã giải quyết được những tồn đọng thường gặp trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ðăng Ðức, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Phú Tường, chia sẻ: Từ ngày lắp đặt hệ thống này, các quy trình sản xuất ở xưởng được vận hành trơn tru hơn, nếu phát sinh lỗi hay bất kỳ vấn đề gì cần hỗ trợ đều được xử lý tức thì. Hệ thống này giúp quản lý tốt năng suất của mỗi dây chuyền cũng như nguyên liệu đầu vào, đầu ra.
Thay đổi từ phương thức sản xuất đến đầu ra sản phẩm
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nhận thức, phụ thuộc vào người đứng đầu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoài xu thế chung, họ cần phải thay đổi, ứng dụng từ phương thức sản xuất cho đến đầu ra của các sản phẩm. Vì vậy, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thực hiện chuyển đổi số, tạo động lực cho họ vì mục tiêu phát triển kinh tế chung. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung chuyển đổi số, thì chính quyền cần nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Cùng với đó, an toàn, an ninh mạng cần được bảo đảm để bảo vệ thành quả của chuyển đổi số.
Để hỗ trợ, đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp khác cùng chuyển mình trong kỷ nguyên số, Công ty Lazada đã hợp tác với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Công ty đã thành lập hệ thống học viện và cung cấp công cụ, ứng dụng từ chuyển đổi số giúp người bán hàng trong hệ thống cũng như doanh nghiệp khác hoạt động hiệu quả hơn. Từ đó, giúp người bán có kiến thức và công cụ để phát triển công việc kinh doanh của mình. Lazada có nhiều sáng kiến trong việc kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân số bằng việc xây dựng cộng đồng các nhà bán hàng với hơn 49 nghìn thành viên cùng giúp nhau phát triển. Từ năm 2021, Công ty Lazada khởi xướng lễ tôn vinh doanh nhân công nghệ.
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, chia sẻ: Chúng tôi luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt chuyển đổi số hiệu quả hơn thông qua thương mại điện tử. Tại Việt Nam, Lazada đã tham gia hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp để chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống, từng bước sang kinh doanh số.
Để góp phần thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt ngày 03/06/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức Diễn đàn “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số” dưới hình thức: trực tiếp và trực tuyến.
Thời gian: 8:00 – 12:00 ngày 09/11/2022.
Địa điểm: Khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội.
Diễn đàn là cơ hội để các bộ, ban ngành, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng chia sẻ, trao đổi và thảo luận về thực trạng xu hướng, cơ hội, các chính sách và các công cụ, giải pháp để tiến hành chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899