Giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngoài công lập
TCDN - Để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đại học cần được bảo đảm 03 yếu tố căn bản là: đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo.
TÓM TẮT
Để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đại học cần được bảo đảm 03 yếu tố căn bản là: đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo. Trong đó, cơ sở vật chất là yếu tố đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học. Sự thiếu hụt hoặc không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất là thách thức lớn, hạn chế việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, theo đó mục tiêu của việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học vì thế không thể thực hiện được trên thực tế. Sự cạnh tranh về cơ sở vật chất đang là một xu thế tất yếu của các trường đại học hiện nay và một ngôi trường có cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại cũng là một trong những tiêu chí lựa chọn hàng đầu của các bạn học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Bài viết tập trung phân tích vai trò của cơ sở vật chất đối với giáo dục đại học, phản ánh thực trạng đầu tư cơ sở vật chất tại các trường đại học ngoài công lập, qua đó đề xuất giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học ngoài công lập.
1. Vai trò cơ sở vật chất đối với chất lượng giáo dục đại học
Cơ sở vật chất được hiểu là tất cả các phương tiện được sử dụng cho mục đích giảng dạy, học tập và các hoạt động khác liên quan đến bồi dưỡng, đào tạo tại trường nhằm giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy và sinnh nâng cao khả năng tiếp thu, lĩnh hội, trải nghiệm kiến thức, đồng thời rèn luyện và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập tại trường.
Được học tập trong một môi trường có cơ sở vật chất hiện đại sẽ giúp cho các bạn sinh viên có được trải nghiệm tốt nhất trong quá trình tiếp thu kiến thức và phát triển bản thân. Bên cạnh đó, các nhu cầu về ký túc xá chất lượng cao, khu thể dục thể thao, sinh hoạt văn nghệ, câu lạc bộ… càng được sinh viên quan tâm trong suốt thời gian học đại học.
Cơ sở vật chất - kỹ thuật bao gồm từ việc xây dựng trường lớp, không gian trường học được tính toán kỹ lưỡng đến các trang thiết bị hiện đại phục vụ trong quá trình học tập và giảng dạy. Đây cũng chính là đặc trưng quan trọng của một ngôi trường hiện đại. Cơ sở vật chất kỹ thuật trước tiên phải tạo ra không gian học tập và sinh hoạt thoải mái. Điều này có nghĩa là các tiêu chuẩn về nhiệt độ, vệ sinh không khí, ánh sáng và âm thanh đều phải được đảm bảo. Ngoài ra, từng vật dụng như bàn ghế, tủ đồ, bảng, dụng cụ học tập… cũng phải đảm bảo về mặt kích thước để phù hợp với tầm nhìn và vóc dáng của người học.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường là những phương tiện cần thiết để sinh viên tự học thuận lợi, dễ dàng, hiểu nhanh, nhớ lâu; để giáo viên giảm thiểu trình bày, diễn đạt, từ chương, dành thời gian tổ chức cho học sinh tiếp cận, tương tác, trải nghiệm, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong quá trình tiếp nhận tri thức và rèn luyện kỹ năng. Thêm vào đó, các phương tiện hiện đại khác cũng giúp các thầy cô giảm thiểu đi phần thời gian trình bày thuần lý thuyết, dành nhiều thời lượng tiết học cho các sinh viên tiếp cận, trải nghiệm, tương tác, chủ động tư duy, tìm tòi và sáng tạo. Qua đó, các sinh viên có thể dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc tiếp thu bài giảng, hiểu sâu và nhớ lâu hơn.
2. Thực trạng
Đến nay, Việt Nam có 60 trường đại học ngoài công lập (đại học tư thục) chiếm tỷ lệ khoảng 25% trong tổng số trường đại học, học viện của cả nước (235 trường đại học, học viên - gọi chung là các trường đại học, không tính các trường thuộc khối An ninh - Quốc phòng).
60 trường đại học tư thục của Việt Nam có mặt ở 29/63 tỉnh/thành, miền Bắc có 23 trường, miền Trung - Tây nguyên có 12 trường và miền Nam có 25 trường. Trong đó, thành phố Hà Nội có số lượng nhiều nhất là 13 trường, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh có 12 trường. Trong 60 trường đại học tư thục, có 05 trường có thời gian thành lập gần 25 năm. Một số trường có uy tín như Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Đông Á, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hoa Sen,Trường ĐH Văn Lang…
Ngoài ra, ở Việt Nam có 05 trường đại học tư thục có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh thành gồm: Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam (thành lập năm 2000, Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Anh quốc Việt Nam (2009, Thành phố Hà Nội), Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (2015, Tỉnh Hưng Yên), Đại học Mỹ tại Việt Nam (2015, Thành phố Đà Nẵng) và Đại học Fulbright Việt Nam (2016, Thành phố Hồ Chí Minh).
Xét trên toàn hệ thống, cơ sở vật chất là điểm mạnh của các trường đại học tư thục, kể cả khi so sánh với cơ sở vật chất của một số trường đại học công lập; về tài chính, tình hình tài chính của các trường đại học tư thục được đánh giá là ổn định, được người lao động và các bên liên quan đánh giá khá cao, năm 2016 tổng nộp ngân sách nhà nước của 43 trường đạt hơn 111 tỷ đồng.
Các trường đại học tư thục đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, cung cấp hàng trăm ngàn nhân lực có trình độ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tài chính và giảm bớt gánh nặng đáng kể cho ngân sách nhà nước. Ví dụ, mỗi năm Nhà nước chi cho mỗi sinh viên trường đại học công lập khoảng 25 triệu đồng/năm thì với 243.975 sinh viên các trường đại học tư thục trong năm học 2016 - 2017 số tiền nếu phải chi là hơn 6.000 tỷ đồng/năm.
Cuộc khảo sát do PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát các trường đại học tư thục cho thấy, cơ sở vật chất là điểm mạnh đáng tự hào của các trường đại học tư thục, kể cả khi so sánh với nhiều trường đại học công lập. Về đội ngũ giảng dạy, các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng. Trong đó, có nhiều trường có từ 700 đến hơn 1.000 giảng viên, vượt xa so với nhiều trường công lập. Bên cạnh đó, quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng theo hướng trường đa ngành.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đa số các trường phát triển theo hướng thực hành và ứng dụng, nên có 43/59 trường báo cáo có phòng thí nghiệm, 45 xưởng thực hành. Chi phí mỗi trường tự đầu tư cho mỗi phòng thí nghiệm là 8,6 tỷ đồng; xưởng thực hành là 6,5 tỷ đồng. Trong đó, cả nước có 3 trường ĐH đạt chuẩn 3 sao về cơ sở vật chất (do tổ chức Anh quốc đánh giá) thì ĐHTT có 2 trường là ĐH FPT và ĐH Nguyễn Tất Thành.
Nhiều trường đã và đang đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất với mức đầu tư từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Văn Lang…
So với trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học tư thục đã có sự khác biệt đáng kể. Trong năm 2018, Trường ĐH Duy Tân lọt vào tốp đầu của Việt Nam về số bài đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới. 2 năm gần đây, nhiều nhà khoa học trẻ của các trường như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TPHCM…được vinh dự nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
3. Giải pháp
Để đảm bảo nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng đào tạo trong hệ thống các trường đại học cần tập trung thực hiện các giải pháp như sau:
Thứ nhất, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tại các trường đại học là phải đảm bảo tính cập nhật, thực tế, phù hợp với đời sống hàng ngày và hấp dẫn, thu hút học sinh học tập. Cố gắng tránh sự vay mượn giả tạo, “gặp đâu làm đấy” một cách tùy tiện làm mất tính khoa học, xa rời thực tế và không hấp dẫn, không thu hút học sinh.
Nhà đầu tư phải xác định rõ yêu cầu, mục tiêu đào tạo như tôn chỉ hoạt động, triết lý giáo dục của đơn vị để thiết kế cơ sở vật chất phù hợp, đồng thời xác lập hệ thống thiết bị kỹ thuật đồng bộ, đơn giản, thiết thực và hiệu quả, vừa có tác dụng cụ thể vào thực tế xã hội, vừa có tác dụng đón đầu cho học sinh tiếp cận với xu thế phát triển trong tương lai. Từ đó mua sắm, lắp đặt, tạo điều kiện tốt cho giáo viên không ngừng cải tiến phương pháp dạy học, sinh viên thích thú tìm tòi học tập theo từng khả năng riêng biệt của mình.
Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường hiện đại, phải đầu tư theo yêu cầu đào tạo của chuyên môn, theo tôn chỉ mục đích của nhà trường một cách khoa học, tránh đầu tư theo chủ quan cảm tính, theo thói quen hoặc theo áp lực của giá cả đầu tư, ảnh hưởng đến tính khoa học của công trình.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chiến lược phát triển cơ sở vật chất phù hợp với chiến lược chung của nhà trường. Theo đó, trong thời gian trước mắt, cần xây dựng ngành mũi nhọn để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, giúp ngành này sớm trở thành ngành chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.
Thứ ba, huy động các nguồn lực ngoài học phí để đầu tư cơ sở vật chất. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ với các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và trên thế giới để có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, thu hút thêm nguồn tài trợ, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, để tăng cường mối liên kết, các trường đại học cần gắn với trách nhiệm giải trình, hoàn thiện tầm nhìn, triết lý, mục tiêu, nhiệm vụ và chiến lược, kế hoạch tổng thể theo hướng đào tạo, nghiên cứu, hoạt động dịch vụ,… theo nhu cầu xã hội và thế giới việc làm, đào tạo, gắn với nhu cầu sử dụng, đạt chất lượng cao theo hướng tiệm cận khu vực và quốc tế.
Đổi mới tư duy quản trị đại học, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy và vị trí việc làm. Có bộ phận chuyên trách liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Có chiến lược liên kết với doanh nghiệp bằng 2 hình thức chủ yếu: mời doanh nghiệp tham gia hội đồng trường, hội đồng tư vấn, ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo và chuyển giao công nghệ, hoặc trở thành cổ đông của những doanh nghiệp (theo hình thức riêng lẻ từng trường hoặc liên kết nhóm trường đại học cùng ngành đào tạo). Cũng từ cách thức liên kết này, nhà trường có thể thâm nhập sâu vào doanh nghiệp để nắm được yêu cầu về nhân lực chất lượng cao, nhu cầu chuyển giao công nghệ... Đây cũng là điều kiện để các trường đại học quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư tài chính.
Chọn lọc các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để liên kết, đảm bảo các tiêu chí, như: Thiện chí của doanh nghiệp; Sự hiểu biết về giáo dục và thái độ của lãnh đạo doanh nghiệp; Quy mô kinh doanh; Triển vọng phát triển; Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Mở ngành nghề mới, rà soát nội dung, chương trình, phương thức đào tạo theo thế giới việc làm. Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, nhằm gắn đào tạo với sử dụng. Trường đại học cần định kỳ tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp để xây dựng chuẩn đầu ra cho quá trình đào tạo, gắn với việc sinh viên ra trường có việc làm và làm được việc. Chương trình đào tạo cần bổ sung những học phần gắn kết với doanh nghiệp, giảm tải lý thuyết, tăng kiến thức thực tế, thực hành; chú trọng hơn các môn học mang tính liên ngành và phát triển kỹ năng; giảm tải chương trình chính khóa, tăng chương trình ngoại khóa, khuyến khích sinh viên tham gia thực tế tại doanh nghiệp và các hoạt động xã hội.
Có cơ chế để đội ngũ doanh nhân trực tiếp tham gia giảng dạy những nội dung cần thiết trong chương trình đào tạo. Tăng cường trao đổi tập huấn nghiệp vụ sư phạm để giảng viên đến từ doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào công tác giảng dạy, có các chế độ phúc lợi dành riêng cho giảng viên đến từ doanh nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp để nhân sự của doanh nghiệp vừa làm việc tại doanh nghiệp, vừa được giảng dạy thực hành tại các trường. Trong khi giảng viên cơ hữu sẽ phụ trách các module lý thuyết theo thế mạnh, nên để đội ngũ tiến sĩ của doanh nghiệp phụ trách giảng dạy thực hành, tham gia các diễn đàn, hội thảo.
Thứ tư, hiện công nghệ thông tin có vai trò quan trọng tác dụng làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học, công nghệ thông tin là phương tiện để tiến tới xây dựng một “xã hội học tập”. Chính vì vậy, các nhà trường cần đầu tư trang thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại, cột thu sóng wifi mạnh đủ cho giáo viên và sinh viên tham gia kết nối và học tập trên internet một cách dễ dàng hơn.
Tuy giáo viên là người thực hiện hoạt động giáo dục - đào tạo trong các nhà trường, nhưng để hoạt động đó có hiệu quả thì cần đến cơ chế quản lí phù hợp của nhà trường, cụ thể như: Xác định những chiến lược dài hạn và ngắn hạn ứng dụng cuộc CMCN 4.0 trong hoạt động của nhà trường. Định hướng các mục tiêu sát với thực tế, chuẩn bị tâm thế cho giáo viên cũng như cán bộ nhân viên của nhà trường để sẵn sàng đón nhận những sự thay đổi của tình hình thực tiễn.
Nhà trường cần có những kế hoạch cụ thể trong từng bộ môn, ứng dụng và thí điểm từng bước hoạt động dạy học hiện đại, từ đó rút kinh nghiệm để mở rộng đổi mới phương pháp dạy học ở những bộ môn tiếp theo trong toàn trường. Hoạt động này nên tiến hành theo từng bước, tránh nóng vội, chủ quan có thể dẫn đến hiệu quả kém trong giảng dạy tại nhà trường. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên là một việc làm cấp thiết trước yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập toàn cầu hiện nay.
Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần đề ra những chính sách, khuyến khích động viên, tạo động lực cho giáo viên tích cực sáng tạo và ứng dụng những phương pháp dạy học hiện đại vào thực tiễn của nhà trường để khuyến khích sự đam mê và tâm huyết của giáo viên. Có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau như tăng lương, khen thưởng..., từ đó nhân rộng mô hình cá nhân tiên tiến trong toàn trường. Sau mỗi hoạt động đổi mới cần có sự đánh giá rút kinh nghiệm và trao đổi giữa các giáo viên nhằm tạo sự hỗ trợ trong hoạt động giảng dạy của các giáo viên. Nhà trường nên thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, cũng như tổ chức thường niên các hội thảo nghiên cứu khoa học chuyên sâu về phương pháp dạy học tại nhà trường nhằm cung cấp kiến thức cũng như nâng cao những kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên.
Thứ năm, liên kết với các trường đại học trong cùng hệ thống xây dựng thue viện điện tử. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, thư viện điện tử đóng vai trò ngày càng quan trọng. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thư viện điện tử dùng chung sẽ tạo ra sự tác động nhanh, rõ rệt và có tính đột phá đến công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường địa học.
Việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thư viện điện tử cho phép tạo ra mạng thư viện của các trường đại học - hình thành nguồn tài nguyên thư viện dùng chung nhằm mở rộng tối đa đối tượng thụ hưởng từ quyết định đầu tư, tác động trực tiếp đến chất lượng công tác đào tạo và nghiên cứu khó học tại các trường đại học, nhất là trong bối cảnh các trường chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Đồng thời, việc đầu tư sẽ tạo ra một hạ tầng thư viện đủ mạnh để có thể đón nhận tài trợ và hợp tác với các trường địa học khác, từng bước kết nối với các thư viện trong khu vực và quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Đặng Thị Minh Hiền (2016), Hiệu quả đầu tư cho giáo dục đại học công lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận phân tích chi phí - lợi ích, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân.
Greenwald, R., Hedges, L. V., and Laine, R. D. (1996). The effect of school resources on student achievement. Review of Educational Research, 66, 361-396.
Hanushek, E. A. (1989). The impact of differential expenditures on school performance. Educational Researcher, 18(4), 45-65.
Hanushek, E. A. (1991). When school finance "reform" may not be a good policy. Harvard Journal on Legislation, 28, 423-456.
Sarah Tumen (2013). The impact of school resourcing and financial management on educational attainment and achievement. A thesis submitted in partial fulfilment of the requirements for the degree of Doctor of Philosophy in Education. The University of Auckland.
Lê Đức Ngọc (2001), Đổi mới công tác quản lý tài chính trong các trường đại học để làm đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu suất đào tạo, Kỷ yếu Hội thảo “Quản lý nhà nước và tự chủ tài chính trong các trường đại học” tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/2001.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập, Tp. Hồ Chí Minh.
ThS. Nguyễn Trung Hiếu
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
email: [email protected], hotline: 086 508 6899