Quản lý tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa

01/11/2022, 09:39

TCDN - Tài sản trí tuệ là loại tài sản vô hình, ngày càng được đánh giá cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn về giá trị trong số các tài sản của doanh nghiệp.

2-1

TÓM TẮT

Tài sản trí tuệ là loại tài sản vô hình, ngày càng được đánh giá cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn về giá trị trong số các tài sản của doanh nghiệp. Hoạt động quản lý tài sản trí tuệ là thực sự cần thiết, song dường như vẫn chưa thực sự được chú trọng ở nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Bài viết tập nghiên cứu thực trạng các nội dung quản lý tài sản trí tuệ tại 245 doanh nghiệp để đưa ra những nhận định và đánh giá về nhận thức cũng như năng lực triển khai quản lý tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Dù còn hạn chế về quy mô mẫu và phạm vi, đối tượng doanh nghiệp được nghiên cứu, nhưng kết quả đã phần nào cho thấy những điểm cần khắc phục trong các doanh nghiệp về quản lý tài sản trí tuệ.

1. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Các DNNVV, với đặc điểm của mình cả về quy mô, tiềm lực tài chính và năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thường có tâm lý coi TSTT và hoạt động SHTT là "xa xỉ", đặc biệt là những doanh nghiệp thương mại, cung ứng dịch vụ.

1.1. Thực trạng nhận diện và phát triển nguồn tài sản trí tuệ

Khi đề cập đến hoạt động SHTT, từ kết quả khảo sát của nhóm tác giả với 245 doanh nghiệp, cho thấy, có đến gần 92% (225/245) số doanh nghiệp không có định hướng cho hoạt động này (với các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ, tỷ lệ này là 100% - 188/188 DN). Nhận thức của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, hoạt động SHTT nói chung và vấn đề quản lý TSTT nói riêng chỉ thích hợp với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng hoá với công nghệ hiện đại. 98% (240/245) doanh nghiệp không có nhân sự trực tiếp phụ trách hoặc theo dõi về hoạt động SHTT. Hầu hết các vấn đề liên quan đến SHTT nếu có phát sinh sẽ được thuê một đơn vị tư vấn bên ngoài để giải quyết, trợ giúp (như đăng ký bảo hộ, tư vấn chuyển giao công nghệ hoặc xử lý tranh chấp…). Chính nhận thức chưa đầy đủ về SHTT đã dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp thiếu quan tâm đến hoạt động quản lý TSTT và chưa khai thác tốt những tiềm năng của mình để phát triển nguồn tài sản, chưa phát huy được sức mạnh của nguồn vốn trí tuệ trong doanh nghiệp. Có 67/245 doanh nghiệp (gồm 57 DN sản xuất hàng hoá và 10 DN kinh doanh dịch vụ) có chế độ thưởng cho các cá nhân có sáng kiến, cải tiến trong công việc. Rõ ràng tỷ lệ này còn quá thấp trong các DN thương mại và dịch vụ, trong khi có thể có rất nhiều những cải tiến về quy trình, sáng tạo về nội dung các hoạt động marketing, truyền thông, đặc biệt là hoạt động bán hàng online, sáng tạo nội dung trong các quảng cáo.

Thực tế thì các doanh nghiệp, dù là nhỏ và thậm chí là siêu nhỏ, dù danh mục TSTT có thể không nhiều, nhưng không có nghĩa là họ không có (như nhận thức của một số lãnh đạo doanh nghiệp). Vấn đề là họ có nhận diện được các tài sản mà mình đang có hay không? Khi được yêu cầu tự liệt kê các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, thì có chỉ có khoảng 70% (trong tổng số 112) người được hỏi (là lãnh đạo hoặc cán bộ quản lý) liệt kê được một số tài sản như: Nhãn hiệu, Thương hiệu (78/112), Kiểu dáng sản phẩm (73/112), Nguồn nhân lực (67/112), Danh mục khách hàng (54/112). Các tài sản khác gần như không được liệt kê.

Trong khi đó, nếu dùng bảng hỏi và liệt kê sẵn một loạt các TSTT để đáp viên đánh dấu lựa chọn thì kết quả là: a). Nhãn hiệu/logo (222/245); b). Kiểu dáng sản phẩm (215/245); c). Sáng chế (113/245); d). Bí mật kinh doanh (239/245); e). Chương trình máy tính (22/245); f). Nguồn nhân lực (16/245); g). Thương hiệu (143/245); h). Bản quyền với tác phẩm hội hoạ (95/245); i). Bản quyền âm nhạc (112/245)… Rõ ràng, từ đây có thể nhận thấy là bản thân các doanh nghiệp cũng chưa nhận diện được một cách tương đối các TSTT của mình. Phỏng vấn trực tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp, cho thấy, đa phần các DNNVV cho rằng SHTT là lĩnh vực chuyên ngành, khó hiểu và ít thiết thực đối với các đối tượng này nên họ chưa có sự đầu tư thích hợp. Kết quả khảo sát các doanh nghiệp về hoạt động SHTT đã và đáng triển khai được thể hiện trong bảng 1.

BẢNG 1

Từ kết quả trong bảng 1 và kết quả khảo sát nhận diện TSTT của doanh nghiệp, có thể nhận thấy là chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các doanh nghiệp có triển khai các hoạt động để thúc đẩy quá trình sáng tạo, hướng đến tạo nguồn và phát triển các TSTT phục vụ hoạt động kinh doanh, trong khi hàng năm họ vẫn phải đầu tư và tìm cách phát triển sản phẩm mới hoặc quy trình mới để cạnh tranh. Việc nhận diện TSTT vẫn còn là một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp. Dường như có mâu thuẫn nhất định giữa hành động và nhận thức của họ về hoạt động SHTT nói chung và quản lý TSTT nói riêng.

1.2. Thực trạng các hoạt động bảo vệ quyền tài sản đối với TSTT

Từ thực tế nhận thức chưa đầy đủ và rõ ràng về SHTT mà không ít doanh nghiệp chưa nhận diện được đầy đủ về TSTT và cũng chưa có những hành động cụ thể để quản lý nguồn tài sản (như bố trí nhân sự theo dõi, quản lý, hoạch định chiến lược và triển khai các hành động tương ứng), kể cả việc bảo vệ tài sản - vấn đề thường được quan tâm nhiều nhất ở các doanh nghiệp. Như đã đề cập ở trên, quản lý quyền tài sản sẽ bao gồm 3 nhóm nghiệp vụ chính là: Xác lập quyền, phân chia quyền và bảo vệ, xử lý tranh chấp quyền đối với TSTT (nếu có).

Thực trạng quản lý xác lập quyền cho các TSTT của doanh nghiệp

Thực tế khảo sát tại 245 doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, vẫn còn 87 doanh nghiệp (chiếm 35,5%) chưa hề thực hiện việc đăng ký bảo hộ cho bất kỳ đối tượng SHTT nào của mình, mặc dù tỷ lệ này đã giảm nhiều so với các nghiên cứu cũng của nhóm tác giả bài viết này năm 2018 và 2017 (tương ứng là 51% và 44,5%). Đối tượng SHTT được đăng ký chủ yếu vẫn là nhãn hiệu (nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu liên kết) (Bảng 2).

BẢNG 2

Từ số liệu bảng 2 cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất đăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT cao hơn (77,2%) so với các doanh nghiệp dịch vụ (60,6%), số nhãn hiệu bình quân đã đăng ký của doanh nghiệp sản xuất là 1,52, trong đó của doanh nghiệp dịch vụ là 1,02. Tất nhiên, điều này xuất phát từ đặc điểm của doanh nghiệp sản xuất, nhưng cũng cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp này cao hơn so với doanh nghiệp dịch vụ. Một số doanh nghiệp sản xuất đăng ký 4 hoặc 5 nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình. Không có doanh nghiệp nào có sáng chế được đăng ký bảo hộ và chỉ có 1 giải pháp hữu ích đã được đăng ký.

Thực tế khảo sát cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa hiểu về thủ tục đăng ký bảo hộ SHTT là trên 70%. Chỉ có một số rất ít các DN tự mình tiến hành các thủ tục đăng ký còn lại đều thuê khoán cho một đơn vị tư vấn. Trong số các DN tự nhận là hiểu về thủ tục đăng ký bảo hộ SHTT thì có đến 13 DN chưa tiến hành đăng ký cho bất kỳ đối tượng SHTT nào. Điều này cho thấy mức độ quan tâm và nhận thức của một số DN về bảo hộ SHTT còn khá hạn chế.

Thực tế quản lý phân quyền và xử lý xâm phạm, tranh chấp SHTT của các doanh nghiệp

Khái niệm về phân định quyền tài sản đối với các TSTT dường như còn khá xa lạ đối với hầu hết các DNNVV. Chỉ có 5/245 doanh nghiệp có chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và các quy định về phân quyền đối với TSTT được sáng tạo bởi các thành viên trong tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề xác định tỷ lệ thu nhập cho cá nhân và tổ chức đối với những TSTT chưa được quy định, chủ yếu vẫn chỉ là tiền thưởng khi các TSTT được ứng dụng (thường là các sáng kiến, kiểu dáng mới cho sản phẩm). Hàng loạt các TSTT khác như quy trình, sáng tạo nội dung truyền thông, sáng kiến phát triển hệ thống kênh, phần mềm quản lý khách hàng, trả lời tự động… đều được các doanh nghiệp xem như là hoạt động chức năng của cá nhân hoặc bộ phận nên không có những chế độ thưởng riêng (ngoại trừ thưởng doanh số).

Vấn đề bảo mật thông tin, TSTT trong doanh nghiệp vẫn chưa thực sự được chú trọng. Đối tượng Bí mật kinh doanh, theo quy định của Luật SHTT, muốn được bảo hộ thì chúng phải có được một cách hợp pháp và DN phải có những biện pháp bảo mật. Tuy nhiên, chỉ có 14/245 DN được khảo sát có áp dụng những biện pháp bảo mật như: Quy chế bảo mật tài liệu, thông tin; Các quy định về quay phim, chụp ảnh, truy cập tài liệu nội bộ, tiếp cận hồ sơ lưu trữ. Có 5/245 DN đưa vào hoạt động lao động điều khoản về bảo mật thông tin, bí quyết kinh doanh. Rõ ràng là vẫn còn quá nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề bảo mật đối với các bí mật kinh doanh. Điều này, một phần là bản thân các doanh nghiệp cũng chưa nhận diện được hết các bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác tư tưởng xem nhẹ, chủ quan vẫn được bộ lộ rất rõ ở nhiều doanh nghiệp. Bí mật kinh doanh là một đối tượng SHTT gồm rất nhiều các tài sản khác nhau, từ chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh đến các bí quyết trong quy trình; các cải tiến, sáng kiến; các mẫu thiết kế (kể cả các mẫu thiết kế dang dở); các ý tưởng và sơ đồ mô tả cho ý tưởng; các giao diện tiếp xúc thương hiệu (website, facebook, zalo…); các tác phẩm đồ hoạ, mẫu nhãn hiệu, bao bì… Khi vấn đề bảo mật không được thực hiện, những bí mật này có thể sẽ bị lộ ra ngoài và làm mất đi lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực tế, công tác bảo mật, phân định quyền tài sản và chống xâm phạm TSTT của doanh nghiệp được mô tả trong bản 3 dưới đây (số liệu trong bảng thể hiện số doanh nghiệp nhận thức thực hiện):

BẢNG 3

Từ số liệu bảng 3, nhận thấy, số doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết của các hoạt động phân quyền SHTT, bảo mật và chống xâm phạm khá lớn, trong khi thực tế triển khai tại doanh nghiệp lại còn khá thấp, nghĩa là khoảng cách giữa nhận thức và hành động triển khai vẫn khá lớn. Giải thích cho điều này, một số doanh nghiệp cho biết là khi được hỏi thì họ mới thực sự nhận ra sự cần thiết triển khai các hoạt động như vậy, còn trong thực tế, do nhiều lý do, họ chưa có điều kiện để triển khai. Chẳng hạn, ở khối dịch vụ, có 109 DN cho rằng cần có quy định về phân quyền đối với TSTT, nhưng chỉ có 2 DN đang thực hiện, 188 DN cho rằng cần có khen thưởng cho các cá nhâ, đơn vị có sáng kiến cải tiến, nhưng chỉ có 10 DN thực hiện. Tương tự 188 DN thấy cần thiết phải có quy định về bảo mật thông tin, và áp dụng các biện pháp cụ thể để bảo mật, nhưng chỉ có 76 DN có áp dụng các biện pháp bảo mật và cũng chỉ có 34 DN ban hành các quy định.

Với các hoạt động xử lý trong các xâm phạm và tranh chấp liên quan đến TSTT và thương hiệu của doanh nghiệp, tỷ lệ các doanh nghiệp còn lúng túng trong xử lý (chưa hiểu rõ phải làm gì, liên hệ với các cơ quan chức năng nào, chưa có kịch bản xử lý, xác định ngay là sẽ kiện tụng) chiếm khá cao (hơn 82%). Có lẽ xuất phát từ thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa chủ động rà soát thị trường và nhiều dn dịch vụ ít bị xâm phạm nên các DN chưa có thực tiễn nhiều về vấn đề này, ngoại trừ một số rất ít DN đã trực tiếp xử lý đối với hàng giả, xâm phạm thương hiệu.

1.3. Thực trạng hoạt động khai thác quyền TSTT

Từ kết quả khảo sát, cho thấy, tỷ lệ áp dụng các sáng kiến, cải tiến vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khá cao (gần 93% - với 485 sáng kiến được áp dụng tại 133 DN, trong tổng số 522 sáng kiến), cho thấy, dù chưa có chiến lược SHTT, chưa có nhận thức đầy đủ về phát triển nguồn TSTT nhưng các doanh nghiệp đã rất biết tận dụng các tài sản hiện có phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Các cải tiến trong quy trình, các công nghệ được mua về và các bí quyết kinh doanh được khai thác tốt và thường xuyên cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Có những sáng kiến được đánh giá là mang lại giá trị hàng năm lên đến cả tỷ đồng (như trường hợp của 1 doanh nghiệp sản xuất sữa).

Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện tự khai thác các TSTT phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Chỉ có một số rất ít doanh nghiệp tiến hành chuyển giao TSTT cho các đối tác khác (5 doanh nghiệp) và đều là các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống (quán phở, quán trà sữa, cà phê) thông qua các hợp đồng nhượng quyền trong nước. Với các hợp đồng nhượng quyền, các doanh nghiệp đã chuyển giao quyền sử dụng các loại tài sản như nhãn hiệu, bí quyết và công thức chế biến, quy trình cung ứng dịch vụ, quy trình truyền thông thương hiệu, bài trí không gian nhà hàng và nhận diện thương hiệu. 100% các doanh nghiệp được khảo sát đều không biết và tiếp cận được với các sàn giao dịch công nghệ, hội chợ chuyên ngành về SHTT. Điều này cho thấy các mức độ quan tâm của các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế trong việc tìm đầu ra cho các TSTT cũng như tìm kiếm các cơ hội cho tiếp cận và nhận chuyển giao các công nghệ mới, các sáng chế và các phương án trong sản xuất kinh doanh hiện đại để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tóm lại, có thể thấy, hoạt động quản lý TSTT trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù đã có được những kết quả đáng ghi nhận như: Nỗ lực kích thích các nguồn sáng tạo để có được nguồn tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh, sử dụng tối đa và có hiệu quả các TSTT hiện có và đã có nhận thức rõ hơn, nỗ lực nhiều hơn trong thực thi quyền và bảo vệ quyền đối với các TSTT của mình, song vẫn còn khá nhiều những hạn chế cần khắc phục, cụ thể:

- Còn một tỷ lệ khá lớn DN chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của TSTT và chưa thể nhận diện chính xác, bao quát được các TSTT mà DN hiện có. Vì thế, chưa có những định hướng cho hoạt động SHTT nói chung và quản lý TSTT nói riêng, chưa có nhân sự trực tiếp theo dõi hoạt động này.

- Vấn đề tạo và phát triển nguồn TSTT còn chưa thật sự được chú trọng. Nhiều doanh nghiệp chưa có chính sách cụ thể cho việc phát triển nguồn tài sản, kể cả việc tra cứu thông tin sáng chế, thiết lập bộ phận nghiên cứu hoặc kích thích cá nhân sáng tạo.

- Việc thực thi quyền tài sản, phân định quyền đối với tài sản và bảo vệ tài sản vẫn còn bị xem nhẹ ở rất nhiều doanh nghiệp. Còn rất nhiều doanh nghiệp chưa có chính sách bảo mật đối với các bí mật kinh doanh, chưa xác định cơ chế phân chia lợi ích từ TSTT cho các đối tượng leien quan một cách hợp lý, dẫn đến chưa kích thích sáng tạo, làm mất đi cơ hội bảo hộ và tình trạng thất thoát tài sản diễn ra khá phổ biến.

Từ những hạn chế được nêu ra qua nghiên cứu thực tiễn tại các doanh nghiệp, để hoạt động quản lý TSTT đi vào thực chất, có thể mang lại những hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh, một số giải pháp sau được đề xuất:

- Các lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về TSTT và sự cần thiết quản lý tốt các TSTT của mình. Việc nhận diện chính xác các TSTT sẽ giúp các nhà quản trị nắm bắt được rõ nhất không chỉ danh mục mà còn về hiện trạng và những thông tin khác của tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp. Gợi ý biểu mẫu cho nhận diện TSTT như bảng 4 dưới đây. Biểu mẫu này chỉ mang tính chất gợi ý trực quan, doanh nghiệp nên thiết kế biểu mẫu trên Excel (với các link kết nối nguồn thông tin cụ thể của từng tài sản) hoặc tạo bảng liệt kê chi tiết hơn với phần mềm riêng để có thể truy cập từ xa và thuận tiện hơn trong quản lý cũng như hỗ trợ ra các quyết định quản trị của lãnh đạo.

BẢNG 4

- Xây dựng những quy định về bảo mật trong doanh nghiệp, khẩn trương xác lập quyền cho các đối tượng SHTT đủ điều kiện đăng ký bảo hộ, nhất là nhãn hiệu. Luôn ghi nhớ rằng, Việt Nam và rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng quy tắc first to file (nghĩa là ai đăng ký bảo hộ trước, người đó giành được quyền ưu tiên). Chậm đăng ký bảo hộ cũng đồng nghĩa nguy cơ bị tranh chấp, mất quyền sử dụng đối với nhãn hiệu là rất cao. Pháp luật cũng cho phép đăng ký trước và sử dụng sau đối với nhãn hiệu và một số đối tượng SHTT khác, doanh nghiệp nên quan tâm vấn đề này. Mỗi đối tượng SHTT lại có những quy định về đăng ký bảo hộ khác nhau, vì vậy cần quan tâm tìm hiểu, tra cứu thông tin từ website của Cục SHTT.

- Doanh nghiệp cần có quy định cụ thể về phân định quyền cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt trong trường hợp những sáng tạo của cá nhân người lao động trong doanh nghiệp. Khuyến khích từng cá nhân tích cực nghiên cứu sáng tạo trong công việc, có chế độ khen thưởng hợp lý và luôn tích cực tìm kiếm các nguồn sáng tạo đến từ bên ngoài, nhất là từ các trường đại học, viện nghiên cứu.

Thực tế đã chứng minh, khi doanh nghiệp chưa chú trọng quản lý TSTT thì nguy cơ bị thất thoát, bị chiếm dụng TSTT dẫn đến mất đi cơ hội và năng lực cạnh tranh là rất cao, vì vậy các doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn cho hoạt động này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc Hội CHXHCNVN (2015). Luật dân sự. NXB Chính trị quốc gia

2. Trần Văn Nam, Nguyễn Thị Hồng Hạnh (2016). Giáo trình pháp luật sở hữu trí tuệ.NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

3. Nguyễn Quốc Thịnh (2019). Phát triển tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp. Kỷ yếu HT quốc tế, Đại học thương mại.

4. Nguyễn Quốc Thịnh (2014). Phát triển khai thác thương mại các chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học Thương mại số 71, tháng 7/2014.

5. Nguyễn Quốc Thịnh, Khúc Đại Long, Nguyễn Thu Hương (2020). Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp Việt Nam - Động lực cho sự khác biệt hóa. Tạp chí Khoa học Thương mại Số 143, tháng 7.

6. Nguyễn Quốc Thịnh (2018). Giáo trình Quản trị thương hiệu. NXB Thống Kê

7. Nhâm Phong Tuân, Nguyễn Thị Tuyết Mai (2021). Chia sẻ tri thức và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam. NXB Đại học quốc gia. http://www.ipvietnam.gov.vn

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, ThS. Nguyễn Thị Vân Quỳnh

Trường Đại học Thương mại

Tạp chí in số 10/2022
Bạn đang đọc bài viết Quản lý tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Định giá tài sản trí tuệ của các startup: Thiếu trung gian, Yếu kỹ năng thương mại hóa
Tài sản sở hữu trí tuệ hiện là tài sản lớn nhất, giá trị nhất của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, do chưa tiếp cận được với tổ chức trung gian nên các phương án góp vốn bằng công nghệ chưa được xác định giá trị đúng mức để thương mại hóa và triển khai.