Giải pháp khai thác giá trị văn hóa, phát triển du lịch Vĩnh Long

15/04/2024, 22:20
báo nói -

TCDN - Bài viết tập trung phân tích các giá trị văn hóa nổi bật và một số hạn chế trong phát triển du lịch tại Vĩnh Long, đồng thời đưa ra giải pháp khai thác hiệu quả các giá trị văn hoá để phát triển du lịch tại địa phương này.

5-1

TÓM TẮT:

Vĩnh Long luôn xác định văn hóa là nền tảng và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Từ đó, khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách.

Bài viết tập trung phân tích các giá trị văn hóa nổi bật và một số hạn chế trong phát triển du lịch tại Vĩnh Long, đồng thời đưa ra giải pháp khai thác hiệu quả các giá trị văn hoá để phát triển du lịch tại địa phương này.

1. Một số giá trị văn hoá nổi bật

Với vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng du lịch văn hóa hấp dẫn, mang đậm nét đặc trưng của miền Tây sông nước. Nơi đây có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận và bảo tồn, những di sản này không chỉ thể hiện giá trị lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật của người dân địa phương mà còn thu hút du khách bởi sự độc đáo và hấp dẫn. Tỉnh Vĩnh Long có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, như: Văn Thánh Miếu, KLN Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa... Ngoài ra, tỉnh còn có những lễ hội đặc trưng như Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), Lễ Xuân tế cầu an tại Công Thần miếu... Vĩnh Long hiện có 774 di tích, trong đó có 11 di tích cấp Quốc gia, 44 di tích cấp Tỉnh, Các di tích của tỉnh Vĩnh Long khá đa dạng về loại hình, tập trung nhiều là các công trình tín ngưỡng tâm linh (đình, chùa, miếu, lăng, hội quán...) thuộc vào nhóm công năng đặc thù. Đặc biệt, Vĩnh Long có Văn Thánh Miếu là một trong ba Văn Thánh Miếu lâu đời được xây dựng đầu tiên ở Nam bộ với hơn 150 năm tuổi. Có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh nhân thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan hàng năm.

Ngoài các di tích trên, hiện địa bàn toàn tỉnh có trên 80 ngôi nhà xưa. Trong số đó có nhiều nhà rất đẹp, là điểm đến hấp dẫn cho du khách như: Nhà Cổ Cai Cường (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ), Nhà Xưa (xã Long Phước, huyện Long Hồ)... Trong các di tích tín ngưỡng và nhà cổ ở Vĩnh Long còn lưu giữ được hơn 4.000 trang Hán Nôm có nội dung liên quan đến lịch sử vùng đất, rất thích hợp với du khách ham thích nghiên cứu. Hiện nay, tại miếu Công Thần còn lưu giữ được nguyên vẹn 85 sắc phong cho các công thần góp phần mở đất về phương Nam thời Lục Tỉnh xưa.

Vĩnh Long hiện có 25 làng nghề trong tổng số 80 làng có nghề và làng nghề truyền thống đang hoạt động, làm ăn hiệu quả, có quy mô tương đối lớn, được UBND Tỉnh công nhận năm 2017. Hiện có 4 làng nghề truyền thống được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể như nghề se lõi lát ở Vũng Liêm, đan thảm lục bình ở Tam Bình, sản xuất gạch-gốm ở Măng Thít, bánh tráng nem Cù Lao Mây Trà Ôn...

Ở Vĩnh Long có các di vật thuộc nền văn hóa cổ ở xã Vĩnh Xuân - Trà Ôn và xã Trung Hiệp-Trung Hiếu-Vũng Liêm như gốm sứ, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh... Một số các cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long như bức tranh “Tứ quý” của Nguyễn Gia Trí, bức tranh “Đám cưới chuột” của Tô Ngọc Vân, bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Nguyễn Phan Chánh... bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Nguyễn Phan Chánh được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013.

Vĩnh Long được xem là cái nôi của loại hình du lịch homestay, dịch vụ du lịch homestay hiện nay được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao, chất lượng phục vụ tốt và đang dần tiếp tục hoàn thiện chất lượng phục vụ. Hiện nay, tỉnh có 02 đơn vị hoạt động dịch vụ du lịch homestay được công nhận là Homestay đạt chuẩn ASEAN. Tính trong phạm vi toàn tỉnh hiện có 27 đơn vị kinh doanh loại hình dịch vụ du lịch homestay, mỗi năm phục vụ ước khoảng 130.000 - 140.000 lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 60% lượt khách quốc tế đến tham quan Vĩnh Long. Khi đến đây du khách sẽ trở thành 01 thành viên trong gia đình để cùng khám phá những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người “Nam bộ”. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, du khách được thực tế chiêm nghiệm nét sinh hoạt văn hóa đậm chất người dân “Nam bộ” từ thời xa xưa, khi được tự tay đốt đuốc đi đến đình làng xem hát bội...

Vĩnh Long hiện có gần trăm lễ hội truyền thống được tổ chức trong các mùa trong năm, ví như lễ hội Lăng Ông Trà Ôn, lễ cúng Miễu, lễ hội Kỳ Yên, lễ dâng hương Vua Hùng, Ngày Hội Văn Hóa-Thể Thao Đồng Bào Khmer, Lễ Chol Chnam Thmay, Lễ Oc Oom Boc, Ngày Hội Đua Thuyền Bảy Núi...

Tuy nhiên, du lịch văn hóa của tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Điển hình như Vĩnh Long có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng việc khai thác các tiềm năng này còn chưa được thực hiện hiệu quả. Một số loại hình du lịch có tiềm năng lớn như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng... còn chưa được chú trọng đầu tư phát triển… Trong khi đó, cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Một số tuyến giao thông quan trọng chưa được đầu tư nâng cấp, các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, thiếu các dịch vụ du lịch chất lượng cao... Về chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Vĩnh Long còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Một số lao động du lịch chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng nghiệp vụ... Mặt khác, sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Vĩnh Long còn chưa chặt chẽ. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp du lịch chưa có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, hoạt động du lịch của tỉnh chưa có tính liên kết, đồng bộ. Song song đó, thị trường du lịch của tỉnh Vĩnh Long còn nhỏ hẹp. Khách du lịch đến với tỉnh Vĩnh Long chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế còn hạn chế...

2. Sáu nhóm giải pháp trọng tâm

Để khai thác tốt các giá trị văn hoá nhằm phát triển du lịch, chúng cho rằng, Vĩnh Long cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng mang dậm văn hoá Vĩnh Long. Theo đó, cần rà soát kỹ lưỡng và xác định các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh bằng cách thống kê cụ thể theo cấp, quy mô, loại hình... đánh giá tiềm năng của các giá trị văn hóa để từ đó có hướng khai thác một cách triệt để hơn. Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào khả năng cung ứng các tài nguyên du lịch của từng địa phương trong tỉnh và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy định, chú ý yếu tố an toàn cho du khách. Chú trọng xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù để tạo sự khác biệt, nâng cao tính hấp dẫn trên cơ sở triển khai có hiệu quả các đề án: Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Chú ý hình thành chuỗi liên kết cung ứng du lịch mua sắm, du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm làng nghề, nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu đặc trưng của tỉnh và các dịch vụ du lịch bổ trợ khác. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch văn hóa, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch văn hóa…

Thứ hai, rà soát và quy hoạch trong du lịch để khai thác tốt giá trị văn hoá. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 theo hướng phát triển du lịch xanh, bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Quy hoạch cần xác định rõ các sản phẩm du lịch chủ đạo, các khu vực trọng điểm phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, nguồn lực... để khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh một cách hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác rà soát, quy hoạch bằng cách tăng cường sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư. Việc tham gia của các bên liên quan sẽ giúp đảm bảo cho công tác rà soát, quy hoạch được thực hiện một cách khoa học, bài bản và hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường liên kết trong du lịch để khai thác tối đa giá trị văn hoá phục vụ du lịch. Đây được xem là giải pháp quan trọng để phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Vĩnh Long. Để liên kết đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương và du khách. Ví như, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp du lịch liên kết với nhau. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp du lịch liên kết với nhau, bao gồm: hỗ trợ đầu tư, xúc tiến quảng bá, đào tạo...; Tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu doanh nghiệp du lịch. Cần tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu doanh nghiệp du lịch, như: hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm... để doanh nghiệp du lịch có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với nhau; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm du lịch liên kết. Cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm du lịch liên kết, bao gồm: thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, marketing...

Thứ tư, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu các giá trị văn hóa của Vĩnh Long đến du khách trong và ngoài nước. Trong đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả: Chiến lược, kế hoạch cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian thực hiện. Tỉnh Vĩnh Long đang thiếu, để từ đó phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, sau đó cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư để triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, định hướng và thống nhất trong xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Vĩnh Long. Tiếp tục duy trì và tăng cường tổ chức, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện giữa các ngành, các địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Triển khai chương trình du lịch “06 địa phương một điểm đến” và chương 9 trình du lịch liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2021- 2025.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhằm khai thác tối đa giá trị văn hoá phát triển du lịch. Để thực hiện tốt công tác này cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của toàn ngành về vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực du lịch. Nhận thức đúng đắn về vai trò của nguồn nhân lực du lịch sẽ tạo động lực để các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thu hút và đãi ngộ tốt đối với nguồn nhân lực du lịch. Cụ thể, cần ban hành các chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo du lịch nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tỉnh Vĩnh Long cần có chính sách thu hút và đãi ngộ tốt đối với nguồn nhân lực du lịch. Chính sách này có thể bao gồm: hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề; tạo điều kiện cho nguồn nhân lực du lịch phát triển nghề nghiệp...

Thứ sáu, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các quy định pháp luật cần phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các cơ chế, chính sách này cần đảm bảo nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác này. Đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nguồn lực này cần được sử dụng hiệu quả, đảm bảo cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long. Báo cáo tổng kết năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.

2. Lê Thúy Hằng (2018), Vĩnh Long đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 1: Chú trọng phát triển các thế mạnh, https://baotintuc.vn/du-lich/vinh-long-dua-du-lich-tro-thanhnganh-kinh-te-mui-nhon-bai-1-chu-trong-phat-trien-cac-the-manh-20200129085852363.htm

3. Lữ Quang Ngời (2018), Phát triển du lịch Vĩnh Long trở thành ngành công nghiệp văn hóa, https://vinhlongtourist.vn/en/detailnews/?t=phat-trien-du-lich-vinh-long-tro-thanh-nganh-congnghiep-van-hoa&id=news_38

Nguyễn Vủ Luân

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Tạp chí in số tháng 4/2024
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp khai thác giá trị văn hóa, phát triển du lịch Vĩnh Long tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận