Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay

28/10/2020, 16:56

TCDN - Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tóm tắt

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác với các nước trên thế giới. Đây vừa là thời cơ, vận hội cho nước ta, vừa là những nguy cơ, thách thức yêu cầu phải tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng với thực tiễn. Bài viết tập trung nghiên cứu làm rõ nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số biện pháp để bảo đảm cho nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội.

5-1

1. Mở đầu

Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt là yêu cầu, nhiệm vụ của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”[1; tr.41]. Do đó, cần có cơ chế, chính sách hữu hiệu để nguồn nhân lực chất lượng cao được phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh cho từng ngành, từng lĩnh vực, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo Liên Hiệp quốc, nguồn nhân lực là tất cả kiến thức, kỹ năng và năng lực của con người có liên quan đến sự phát triển xã hội. Có thể nhận thấy, nói tới nguồn nhân lực là nói tới trình độ hiểu biết của con người và khả năng ứng dụng vào hoạt động thực tiễn cụ thể của xã hội. Tổ chức lao động quốc tế cho rằng, nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động. Theo cách hiểu này, nguồn nhân lực bao gồm chủ yếu những người có năng lực lao động làm ra của cải vật chất cho xã hội. 

Ngân hàng thế giới nhận định nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người, bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Theo đó, nhân lực bao gồm hai yếu tố cơ bản đó là sức khoẻ và trí tuệ con người. Tuy có những cách tiếp cận, hiểu khác nhau, song có thể tựu chung lại nguồn nhân lực là toàn bộ những người đang trong độ tuổi lao động, có sức khoẻ, trình độ chuyên môn, tự mình làm ra của cải vật chất, đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực đặt ra.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận cấu thành nguồn nhân lực của đất nước. Đó là những con người được đào tạo cơ bản, có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao, hay nói cách khác, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là những người tài và giỏi, có thể làm được những việc mà nguồn nhân lực nói chung không thể làm được, hoặc làm được với chất lượng, hiệu quả không cao.

Alvin Toffler nhấn mạnh vai trò của lao động trí thức: “Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất; chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi mà còn lớn lên”[2]. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không những cho phép khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh của đất nước mà còn tạo ra sức bật, khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực ở trong và ngoài nước. Đó là sự gia tăng của các nhà đầu tư tìm đến để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công việc mà ở nơi đó có nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao đang sinh sống, công tác và làm việc. Đồng thời, tạo ra lợi thế so sánh giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới về nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ là cơ hội, điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề, từ đó nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Mặt khác, cũng thông qua việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao buộc mỗi người phải phấn đấu vươn lên tự học, tự nghiên cứu trang bị cho mình vốn sống, kinh nghiệm, sự hiểu biết để tồn tại và phát triển. Trong những năm vừa qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng như: Đại hội VIII, Đảng ta đã khẳng định: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc Công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[3; tr.114 - 115]. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”[4; tr.90].

Thời gian qua, nguồn lực chất lượng cao hoạt động ở các ngành nghề, lĩnh vực đã được quan tâm, tạo điều kiện phát triển toàn diện về mọi mặt và có những đóng góp nhất định vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải khẳng định rằng: Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm một cách thường xuyên, liên tục ở các thời điểm, giai đoạn khác nhau, vẫn còn xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”, nguồn lực chất lượng cao hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề chưa tương đồng với nhau, có ngành rất nhiều nguồn lực chất lượng cao, ví dụ ngành toán học, vật lý, chế tạo máy… có ngành rất ít, như: khoa học xã hội nhân văn, văn hoá, nghệ thuật…

Một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao có biểu hiện kiêu ngạo, tự mãn, cho rằng bản thân có tài năng đưa ra những đòi hỏi, yêu sách phải bảo đảm các điều kiện làm việc, hoặc có biểu hiện xem thường người khác, đặt ra những quy định, yêu cầu riêng có cho bản thân mình. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là hội nhập quốc tế ngày càng cao, Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ nếu không quan tâm, chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để hiện thực ý chí, khát vọng vươn lên dựng xây, kiến thiết đất nước thì Việt Nam sẽ phải đối diện với nguy cơ, thách thức tụt hậu về kinh tế, đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế.

2.2. Một số biện pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay

2.2.1. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng

Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. Ngay từ các bậc học, nhất là bậc học Phổ thông trung học, giáo viên và phụ huynh học sinh phải định hướng tương lai cho con em mình trong việc chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực, thế mạnh của bản thân. Từ đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về một ngành, lĩnh vực mà mình yêu thích, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng sau khi hoàn thành khoá học. 

Đặc biệt, các trường cao đẳng, đại học phải làm tốt công tác tuyển chọn, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với trình độ nhận thức của người học, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ của xã hội, của quá trình hội nhập, mở cửa, phát triển nền kinh tế tri thức hiện nay. Chú trọng đến việc thực hành các thao tác, các bước của hoạt động lắp ráp, sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ; sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật, nhất là máy móc hiện đại, điều khiển từ xa, tự động hoá.

Thực tiễn nguồn lực chất lượng cao ở nước ta không có nhiều, chủ yếu là nguồn lực trung bình, tức là lao động ở bậc phổ thông, đơn giản, lao động có trình độ chuyên môn cao rất ít. Do đó, hầu hết việc sản xuất, sử dụng công nghệ máy móc, thiết bị đều nhập khẩu từ nước ngoài, xin ý kiến chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ. Theo đó, tiến hành rà soát lại chương trình đào tạo ở các trường; tăng cường thời gian học thực hành, giảm thời gian học lý thuyết; gắn quá trình đào tạo với hoạt động thực tập, tham quan, bắt tay vào công việc ở từng chuyên ngành đào tạo; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các trường, các chuyên ngành đào tạo với nhau, nhất là với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, đầu tư, công ty; tuyển dụng học sinh vào đào tạo phải bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng; Các cơ sở giáo dục cần phát triển hơn nữa vào các ngành nghề chất lượng cao: như lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học... để giúp người lao động có thể làm chủ khi cuộc cách mạng số hóa bùng nổ như hiện nay.

2.2.2. Có cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút, sử dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao 

Trong mọi giai đoạn, thời kỳ cách mạng, vấn đề cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp cách mạng là rất quan trọng. Nếu không thu hút, lôi cuốn được nguồn nhân lực chất lượng cao, đất nước kém phát triển và ngược lại. Có thể thấy, cơ chế, chính sách sử dụng hợp lý, phù hợp với nguồn nhân lực chất lượng cao là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, lực lượng có liên quan đối với những đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ quan, đơn vị và địa phương. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách đó là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng lĩnh vực, ngành nghề ở các vùng, miền và sự đóng góp đó cho sự phát triển ở mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương không phải là sự mặc định, có sẵn theo một khung nhất định. Trên cơ sở nền tảng những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chính sách tiền lương, trọng dụng nhân tài, mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể của mình để hỗ trợ phần nào điều kiện vật chất, hoặc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường công tác cho nguồn nhân lực chất lượng cao được phát huy thế mạnh, sở trường. Vấn đề đặt ra là, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong việc phối kết hợp để xây dựng, ban hành quy chế sử dụng, làm việc đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các phòng, ban, sở nội vụ ở các cơ quan, đơn vị và địa phương; xây dựng môi trường văn hoá trong sáng, lành mạnh giữa người đứng đầu với cấp dưới; duy trì và thực hiện nghiêm túc các chế độ, quy định, nề nếp sinh hoạt ở mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương; quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân thuộc quyền quản lý. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Đóng góp chung vào thành công này có vai trò quyết định của cả hệ thống chính trị, của nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự cống hiến của biết bao nhân tài, hiền tài đã ngày đêm lao động, nghiên cứu, góp phần cho thành tựu chung của đất nước. Những cơ chế, chính sách bám sát thực tiễn đất nước, tình hình thế giới, yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời điểm, giai đoạn đặt ra để có sự điều chỉnh, bổ sung cho kịp thời với diễn biến của thời cuộc. 

2.2.3. Tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với nguồn nhân lực chất lượng cao 

Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà nước là người ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó, Nhà nước cần phân cấp, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành tiến hành quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao một cách hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”. Tức là đào tạo ra nguồn nhân lực cao nhưng không phục vụ cho Nhà nước mà phục vụ cho doanh nghiệp nước ngoài. Xây dựng, ban hành các quy định, yêu cầu cho các cơ sở đào tạo về nguồn nhân lực chất lượng cao; yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao khi đào tạo song phải làm việc ở trong nước, đặc biệt là bộ máy hành chính Nhà nước, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường, hoặc yêu cầu những nơi khác không tuyển dụng; đặt ra yêu cầu cao cho nguồn nhân lực chất lượng cao phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, toàn tâm, toàn ý phục vụ cho sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam dân chủ, văn minh, giàu đẹp, có vị thế ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế; thường xuyên kiểm tra quá trình làm việc nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu không đáp ứng được sẽ bị thải loại, hoặc xắp xếp, bố trí ở những nơi khác. 

Tạo ra những cơ chế khuyến khích hợp tác doanh nghiệp với nhà trường để đào tạo đúng và phù hợp, gần sát nhất với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, gắn đào tạo kiến thức với thực tập, thực hành nghề tại các cơ sở doanh nghiệp; Có biện pháp để cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên thu nhận thông tin phản hồi về mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với “sản phẩm” đầu ra của các cơ sở đào tạo.

2.2.4. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa môi trường làm việc với thực tiễn nền kinh tế - xã hội của đất nước

Trong những năm vừa qua nền kinh tế - xã hội nước ta có bước tăng trường khá cao, tương đối ổn định, nhưng do tác động của bối cảnh thế giới, khu vực và đặc biệt là đại dịch Covid - 19 gần đây đã làm cho một số ngành, lĩnh vực, nhất là người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình hình đó, ảnh hưởng phần nào đến nguồn nhân lực chất lượng cao, theo đó, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa môi trường làm việc với điều kiện tế của mỗi ngành, lĩnh vực ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Nguồn nhân lực chất lượng cao thường có biểu hiện tự cao, tự mãn, ít lắng nghe ý kiến đóng góp của người khác, hoặc có nghe chỉ mang tính chất chiếu lệ cho song, cho có, tự mình quyết định mọi việc, không tôn trọng mọi người xung quanh. Do đó, trong quá trình làm việc, giải quyết các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với mọi người xung quanh phải hài hoà, hợp lý, không đặt cái tôi cá nhân lên quá cao, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; đặt trong mối quan hệ tổng thể của đơn vị, không vì có thành tích, tài hơn người khác mà có biểu hiện lên mặt, xem thường người khác. 

Như thế, nguồn nhân lực chất lượng cao đó chỉ có tài mà không có đức, kìm hãm, cản trở sự phát triển ở nơi đó. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải lựa chọn chính xác nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc, năng lực, trình độ đi liền với phẩm chất đạo đức, lối sống, không được đố kỵ, ganh đua với đồng nghiệp; không được đặt ra yêu sách cho nơi làm việc; đồng cam, cộng khổ với môi trường làm việc; phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; tích cực, chủ động tự học, bồi dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của xu thế toàn cầu hoá, mở cửa, hội nhập và phát triển nền kinh tế tri thức. Trọng dụng nhân tài đồng bộ, tạo cơ hội cho người tài phát huy năng lực và thu hút nhân lực trình độ cao là người Việt đang làm việc ở nước ngoài, Việt kiều và chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

3. Kết luận

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”[5; tr.54]. Sự thành công hay thất bại, tận dụng tốt thời cơ, vận hội hay vượt qua nguy cơ, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc cách quyết định vào phương thức khai thác nguồn lực con người, nhất là việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực có chất lượng cao, với số lượng và cơ cấu hợp lý, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng, có lý tưởng cách mạng soi sáng, sẽ là động lực để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.130; tr.41.

2. Alvin Toffler: Thăng trầm quyền lực, Nxb. Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1992, tr. 41.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H.1996, tr.21.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Nxb CTQG - Sự thật, HN, 2016, tr.90.

5. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 54.

ThS. Hoàng Thị Thuý

Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải

Tạp chí in số tháng 10/2020
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan