Giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, hiệu quả và bền vững
TCDN - So với tiềm năng phát triển và tương quan với thị trường trong khu vực, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam còn khiêm tốn, trong khi dư địa tăng trưởng trong thời gian tới là rất lớn.
Tóm tắt:
Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) ngày càng đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển và tương quan với thị trường trong khu vực, quy mô của thị trường trái phiếu DN của Việt Nam còn tương đối khiêm tốn và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Tình hình thị trường trái phiếu DN trong năm 2024
Thị trường trái phiếu DN (TPDN) là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính và là một trong những kênh dẫn vốn chủ lực của DN để phát triển sản xuất kinh doanh. Năm 2024 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường TPDN sau giai đoạn diễn biến phức tạp của kinh tế, chính trị trong và ngoài nước. Trong năm 2024 có 104 DN (DN) phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với với khối lượng 437,9 nghìn tỷ đồng (tăng 47,5% so với cả năm 2023). Theo đó, thị trường TPDN riêng lẻ năm 2024 có sự tăng trưởng so với năm 2023 cả về số lượng DN huy động vốn và giá trị trái phiếu phát hành thành công. Về quy mô thị trường tính đến hết năm 2024, thị trường đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 9,6% GDP, bằng khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Xét về cơ cấu lĩnh vực hoạt động của DN phát hành trái phiếu, tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục là ngành có khối lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất với 66% tổng khối lượng phát hành, DN bất động sản (BĐS) chiếm 22,4% khối lượng phát hành; các DN lĩnh vực còn lại chiếm 11,6% khối lượng phát hành. Khối lượng TPDN riêng lẻ năm 2024 tăng cao do các TCTD tăng khối lượng huy động vốn để phục vụ tăng trưởng tín dụng và nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Về nắm giữ của nhà đầu tư: tính theo dư nợ tại thời điểm 31/12/2024, nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 81,9% (trong đó quỹ đầu tư trái phiếu nắm giữ 1,7% tổng dư nợ trái phiếu, giảm 0,7% so với năm 2023 (từ mức 2,4%); DN bảo hiểm nắm giữ 7,5%, tăng 0,8% so với năm 2023), nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 18,1% (giảm 10,1% so với cuối năm 2023). Điều này cũng phản ánh được tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư cá nhân khi tham gia đầu tư TPDN riêng lẻ. TPDN được phát hành theo cơ chế DN tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm, do đó nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân phải chủ động đánh giá tình hình tài chính của DN phát hành, khả năng trả nợ gốc lãi của DN; cân nhắc đến các yếu tố về uy tín của DN trên thị trường vốn, tình hình thanh toán các khoản nợ của DN; phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu DN với các sản phẩm tài chính khác, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu.
Đánh giá tình hình thị trường TPDN năm 2024
Trong thời gian qua, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường TPDN, chủ động thực hiện các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo động lực phát triển kinh tế, các Bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số Luật, bao gồm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia đầu tư TPDN riêng lẻ. Theo đó, Luật số 56/2024/QH15 đã bổ sung quy định để nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và bổ sung trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động phát hành, giao dịch TPDN riêng lẻ.
Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, các Bộ, ngành đã bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, chủ động triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ thể phát hành và điều hành thị trường TPDN ổn định, minh bạch và lành mạnh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng trong Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các DN phát hành, công ty chứng khoán, DN cung cấp dịch vụ kế toán, DN kiểm toán, DN thẩm định giá.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) và Bộ Công an tiếp tục triển khai thực hiện thông qua đào tạo, phổ biến kiến thức cho nhà đầu tư, nêu rõ những rủi ro của nhà đầu tư khi mua TPDN. Trong năm 2024, Bộ Tài chính đã có hơn 50 bài báo, phỏng vấn, đăng tin trên VOV và xuất bản 02 báo cáo thường niên về thị trường trái phiếu.
Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó chủ động giải quyết các vướng mắc về pháp lý đối với các dự án bất động sản để DN sớm hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền và tình hình sản xuất kinh doanh của DN đảm bảo việc thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã giúp DN duy trì nguồn vốn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, NHNN ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định về việc NHTM được mua lại ngay TPDN, tạo điều kiện cho các NHTM đầu tư trái phiếu, tăng nguồn cung trên thị trường, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường TPDN.
Sự tăng trưởng tích cực của thị trường TPDN không chỉ là kết quả của các giải pháp quyết liệt, kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn đến từ việc niềm tin của thị trường đang dần được phục hồi. So sánh với giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây, sự phục hồi của thị trường hiện nay mang tính bền vững hơn do các chủ thể tham gia vào thị trường đều đã có sự cải thiện về mức độ chuyên nghiệp, tính tuân thủ pháp luật. Trong đó các DN đều có ý thức tuân thủ đầy đủ quy định trong tổ chức phát hành, công bố thông tin cho nhà đầu tư; nhà đầu tư cũng chuyên nghiệp hơn, tiếp cận hồ sơ chào bán trước khi quyết định mua, nắm giữ TPDN; trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng được tăng cường tại các văn bản pháp lý.
Định hướng phát triển thị trường trái phiếu DN minh bạch, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới
Dự kiến triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 2025 sẽ tích cực, trong đó giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng để để thúc đẩy kinh tế. Theo đó, triển vọng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đặt ra (6,5% - 7%). Lạm phát năm 2025 có nhiều yếu tố thuận lợi như: giá cả hàng hóa và lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, chính sách tiền tệ có dư địa điều hành, Việt Nam tự chủ về nguồn cung hàng hóa dịch vụ thiết yếu và nguồn cung lương thực. Với các yếu tố vĩ mô dự kiến thuận lợi, dự kiến tình hình thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường vốn năm 2025 sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi.
Tình hình hoạt động của DN dù khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, nhưng vẫn khả quan. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, để góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành thị trường TPDN năm 2025 và các năm tiếp theo là cần đảm bảo ổn định, minh bạch hoạt động thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia trên thị trường.
Theo đó, trong thời gian tới, các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.
Thứ hai, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế: Để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về TPDN riêng lẻ, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật số 56/2024/QH15 về phân công xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật, Bộ Tài chính đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế 03 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành trong năm 2025. Đồng thời, Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi quy định tại Luật DN để có biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc đăng ký DN, giám sát việc tăng vốn ảo.
Thứ ba, phát triển cơ sở nhà đầu tư: Thông qua việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường. Nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư thông qua quỹ đầu tư được quản lý bởi công ty quản lý quỹ.
Thứ tư, về tổ chức thị trường trái phiếu. Phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ theo hai phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đối với kênh phát hành ra công chúng, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các DN có đủ điều kiện phát hành thì có thể phát hành trái phiếu ra công chúng, để tiếp cận đến tất cả các đối tượng nhà đầu tư. Đối với kênh phát hành riêng lẻ, do những biến động thị trường vừa qua, khuyến khích DN tự tăng cường tính công khai minh bạch để những DN tốt, DN minh bạch có thể tiếp tục quay trở lại phát hành trái phiếu huy động vốn.
Thứ năm, tiếp tục theo dõi, yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các DN trường hợp có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.
Thứ sáu, đối với hoạt động kiểm tra, giám sát: Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của DN phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm (nếu có).
Thứ bảy, đẩy mạnh tuyển truyền: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông chính sách, các nội dung cung cấp thông tin đào tạo nhà đầu tư nhằm ổn định tâm lý, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư, giúp các DN, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2022), Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP;
2. Chính phủ (2023), Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ;
3. Chính phủ (2023), Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững;
4. Bộ Tài chính, Báo cáo thị trường trái phiếu DN.
Đồng Phan Mỹ Linh
Bộ Tài chính.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899