"Gỡ khó" việc thu ngân sách sau khi sáp nhập

11/09/2019, 17:27

TCDN - Những tháng đầu năm 2019, Cục Thuế Nghệ An đẩy mạnh công tác thu ngân sách nhà nước. Tính đến ngày 31/8/2019, Cục Thuế Nghệ An thu đạt 8.861 tỷ đồng, bằng 118% so với cùng kỳ; đạt 81% dự toán trung ương, 75% dự toán HĐND tỉnh.

Ổn định từ cơ sở

Quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ lệ phí trước bạ và các khoản thu thuế về đất của người nộp thuế được bộ phận “một cửa” của huyện Thanh Chương thực hiện nhanh chóng. Đối với hồ sơ trước bạ ô tô, xe máy, người nộp thuế chỉ cần nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa”. Khi đó, công chức sẽ nhập vào ứng dụng quản lý đối chiếu bảng giá, in thông báo nộp thuế, giao cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Đối với hồ sơ các khoản thu về đất, người dân đến bộ phận “một cửa”, sau đó đến Văn phòng đăng ký sử dụng đất kiểm tra hồ sơ và được chuyển đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Cán bộ thuế ở đây sẽ nhanh chóng xử lý hồ sơ, in thông báo thuế, giấy nộp tiền.

Hướng dẫn kê khai thuế tại Cục Thuế Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng

Hướng dẫn kê khai thuế tại Cục Thuế Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng

Chị Nguyễn Thị Hải ở xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương cho biết: “Vừa rồi, tôi có mua chiếc xe máy, đến bộ phận một cửa nộp lệ phí trước bạ. Mặc dù người dân đến rất đông, nhưng tôi thấy cán bộ thuế giải quyết các thủ tục nhanh, người dân không phải chờ đợi lâu”.

Sau khi sáp nhập, Chi cục Thuế Sông Lam 1 có 99 người, trong đó có 7 lãnh đạo, gồm 1 Chi cục trưởng và 6 Chi cục phó. Hiện nay Chi cục có 6 đội thuế (trước đây 13 đội), trong đó có 3 đội quản lý thuế liên xã, đội số 1 ở huyện Đô Lương, đội số 2 ở Thanh Chương, đội số 3 ở huyện Tân Kỳ; 3 đội thuế còn lại là đội nghiệp vụ quản lý thuế, đội kiểm tra, 1 đội hành chính - nhân sự - quản trị.

Tại huyện Thanh Chương và Tân Kỳ có 2 bộ phận một cửa giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế. Sau khi sáp nhập đã giảm được 2 Chi cục trưởng, 7 đội trưởng, 2 tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên. Giảm được phụ cấp trách nhiệm.

Tập huấn sáp nhập dữ liệu giữa các chi cục thuế khu vực sau khi sáp nhập. Ảnh: Lâm Tùng

Tập huấn sáp nhập dữ liệu giữa các chi cục thuế khu vực sau khi sáp nhập. Ảnh: Lâm Tùng

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, đến nay Chi cục Thuế Sông Lam 1 đã đi vào hoạt động ổn định, cán bộ, công chức thuế yên tâm công tác. Việc phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh với Chi cục thường xuyên, liên tục và có sự chỉ đạo kịp thời, đảm bảo hoạt động của Chi cục Thuế khu vực.

Việc hợp nhất các Chi cục Thuế Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ thành Chi cục khu vực Sông Lam 1 đã giải quyết được bài toán tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản lý, đảm bảo hoạt động hiệu quả của cơ quan thuế.

Trong công tác quản lý thu nộp ngân sách, tất cả các tài khoản phục vụ công tác quản lý thuế hoạt động bình thường, hệ thống mạng ở các đơn vị vận hành ổn định, kịp thời hỗ trợ cho bộ phận “một cửa” khi có vướng mắc.

Hàng năm, Cục Thuế Nghệ An tổ chức đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Ảnh: Lâm Tùng

Hàng năm, Cục Thuế Nghệ An tổ chức đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc. Ảnh: Lâm Tùng

Trong cải cách hành chính, tất cả các doanh nghiệp đều nộp hồ sơ khai thuế, tiền thuế qua mạng. Cơ quan thuế ở đây sẽ gửi lại văn bản cho người nạp thuế qua mạng. Do vậy, đại diện doanh nghiệp không cần phải đến trực tiếp ở cơ quan thuế. Tuy nhiên, sau khi thực hiện sáp nhập thành Chi cục Thuế khu vực cũng gặp một số khó khăn. Trong đó công tác phối hợp với chính quyền địa phương là vấn đề đáng quan tâm.

Trước đây mỗi Chi cục chỉ phối hợp với 1 chính quyền địa phương, nay phải phối hợp với chính quyền cả 3 huyện hoặc 2 huyện, thị. Bên cạnh đó, địa bàn rộng, cán bộ đến trung tâm trụ sở chính xa hơn, vất vả hơn trước đây. Cơ sở vật chất tại trụ sở chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của bộ máy cán bộ mới, đơn cử như phòng làm việc, nhà công vụ, bếp ăn…

Kết quả tích cực với sự nỗ lực toàn ngành

8 tháng đầu năm, toàn ngành thuế có 13/17 khoản thu đề đạt tiến độ dự toán và bằng hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt các khoản thu quan trọng đều vượt tiến độ dự toán và tăng so với năm trước, như: Thu DNNN Trung ương đạt 69% dự toán, tăng 16%; Thu DNNN địa phương đạt 70% dự toán, tăng 5%; Thu từ công thương nghiệp - dịch vụ - ngoài quốc doanh (CTN DV-NQD) đạt 69%,tăng 13%; Thuế bảo vệ môi trường đạt 75%, tăng 68%; Phí, lệ phí đạt 71%, tăng 11%; Thu lệ phí trước bạ đạt 82%, tăng 31%; Thu cấp quyền sử dụng đất đạt 84%, tăng 9%; thuế thu nhập cá nhân đạt 81%, tăng 8%.

Không kể tiền sử dụng đất, số thu toàn Cục Thuế 8 tháng 2019 đạt 6.873 tỷ đồng, bằng 121% so với cùng kỳ; đạt 73% dự toán. 9/10 Chi cục Thuế có tiến độ thu đạt từ 81% dự toán trở lên, trong đó có 04 Chi cục Thuế khu vực đã hoàn thành dự toán thu: Bắc Vinh, Phủ Quỳ II, Tây Nghệ II, Sông Lam II…

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Lâm Tùng

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Lâm Tùng

Có được kết quả trên, bên cạnh kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác thu NSNN đảm bảo chất lượng và tính thiết thực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; triển khai nhiều chương trình chống thất thu có hiệu quả... Cục Thuế đã làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ công chức trong toàn ngành.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, Cục Thuế Nghệ An đã triển khai xây dựng Đề án thành lập Chi cục Thuế khu vực trực thuộc và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định 920/QĐ-BTC ngày 31/5/2019.

Theo đó, hợp nhất 20 Chi cục Thuế các huyện, thị xã thành 9 Chi cục Thuế khu vực và bắt đầu đi vào hoạt động kể từ ngày 05/8/2019. Sau khi thực hiện hợp nhất số lượng Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm được 11 Chi cục (từ 21 giảm còn 10 Chi cục), 39 đội thuế (từ 97 đội xuống còn 58 đội).

Theo báo cáo từ các Chi cục Thuế khu vực, sau 1 tháng hợp nhất, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ phận trong Chi cục đã diễn ra thông suốt. Người nộp thuế tại các địa bàn huyện, thị xã nơi không đặt trụ sở Chi cục Thuế khu vực vẫn được hỗ trợ tối đa, thuận lợi, dễ dàng trong việc kết nối, làm việc với cơ quan thuế.

Hải Tiến
Bạn đang đọc bài viết "Gỡ khó" việc thu ngân sách sau khi sáp nhập tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính sách thuế Giá trị gia tăng đối với hàng chuyển đổi mục đích
Đối với mặt hàng máy may công nghiệp nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu nhưng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, nay thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, một số DN thắc mắc việc tính thuế GTGT khi thay đổi mục đích sử dụng ra sao? Khấu trừ thuế GTGT như thế nào?