Hà Nội: 3 kịch bản điều hành kinh tế, giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19

06/04/2020, 15:01

TCDN - Với nhiều chỉ tiêu kinh kế tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, UBND TP Hà Nội đã đề ra 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại, phục hồi kinh tế đảm bảo an sinh xã hội.

Sáng 6/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý 1/2020 của UBND thành phố.

3 kịch bản điều hành giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, quý 1/2020 tăng trưởng kinh tế của TP được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2020 tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%); Khách du lịch giảm mạnh; tổng lượng khách du lịch giảm 47,2%.

Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 63,04 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 10,5%); vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 2% (cùng kỳ tăng 2,61%), tổng dư nợ tăng 1,8% (cùng kỳ tăng 2,59%).

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước 7,14 nghìn tỷ đồng (8 dự án mới và tăng vốn). Có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

UBND TP Hà Nội đã đề ra 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại, phục hồi kinh tế đảm bảo an sinh xã hội. (Ảnh minh họa)

UBND TP Hà Nội đã đề ra 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại, phục hồi kinh tế đảm bảo an sinh xã hội. (Ảnh minh họa)

Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ, nhất là nhóm thực phẩm…

Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý 1, Hà Nội đã xác định 3 kịch bản điều hành để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covid -19, cụ thể sau: 

Kịch bản 1: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý 2 lấy lại đà tăng trưởng và quý 3, 4 có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý 3 nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.

Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4 đến 5%).

Cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên

Để triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị thiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công. Đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư. 

“Thực hiện cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Các sở ngành, quận huyện cần cải cách triệt để các thủ tục hành chính; đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông. Mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. 

UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị phải đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm;…

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: 3 kịch bản điều hành kinh tế, giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Kịch bản nào cho kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố đại dịch nhiễm virus Covid-19, đến nay đã lan rộng ra 169 quốc gia với hơn 417.966 trường hợp lây nhiễm. Câu hỏi đặt ra là sau khủng hoảng Covid-19, nền kinh tế thế giới sẽ đi về đâu?