Hà Nội ra hạn cuối xử lý các dự án "ôm đất"

22/04/2022, 09:55

TCDN - HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND TP thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ, giải pháp đã được HĐND TP nêu trong Nghị quyết, tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn hết Quý IV/2022.

HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ, giải pháp đã được HĐND thành phố nêu trong Nghị quyết, các kiến nghị sau giám sát, tái giám sát của HĐND thành phố để tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư và quản lý sử dụng đất đai, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết, rõ quy trình trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý.

"Kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án theo quy định của pháp luật", Nghị quyết nêu rõ. 

Trường hợp dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với từng dự án theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật liên quan đối với trường hợp chây ì, tiếp tục vi phạm.

HĐND cũng cho rằng, cần rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm, cụ thể từng dự án theo quy định pháp luật về quy hoạch và xây dựng đối với các dự án xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, không có giấy phép xây dựng (đối với công trình phải có giấy phép xây dựng), vi phạm trật tự xây dựng.

HĐND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức kiểm tra, thanh tra, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và có biện pháp xử lý nghiêm theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật đối với các dự án có các vi phạm pháp luật đất đai khác như sử dụng đất sai mục đích; cho thuê, cho mượn đất; chậm hoàn thành các thủ tục đất đai; chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đúng quy định, huy động vốn trái phép.

UBND các quận, huyện, thị xã cần thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng…; giám sát chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra; giám sát việc xử lý các vi phạm đối với chủ đầu tư của cơ quan có thẩm quyền để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm…

Nghị quyết giao UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo trong Quý II/2022 tập trung xong công tác hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; phấn đấu hết Quý IV/2022 thực hiện xử lý xong các dự án chây ì, tiếp tục vi phạm.

Trước đó, trong báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường cuối tháng 3/2022, về xử lý các dự án có vi phạm pháp luật đất đai nêu rõ, hiện trên địa bàn thành phố có 33 dự án vi phạm luật đất đai chưa xử lý.

Ngoài 33 dự án vi phạm luật đất đai, thành phố còn 91 dự án, tổng diện tích gần 500ha, không sử dụng đất, chậm tiến độ, để hoang hóa, gây lãng phí.

Cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 29 dự án, tổng diện tích 1.844,3 ha.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội ra hạn cuối xử lý các dự án "ôm đất" tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hà Nội: Điểm mặt những dự án 'treo' ôm đất nhiều năm
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo trả lời những ý kiến, kiến nghị mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị lớn trên địa bàn như dự án Sông Hồng City; khu nhà ở văn phòng IDC..., sau hàng thập kỷ vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển.