Hà Nội sẽ mở thêm một số làn đường dành riêng cho xe buýt

16/09/2019, 09:33

TCDN - Dự kiến đến 2020, Hà Nội sẽ mở thêm khoảng 46-51 tuyến xe buýt, trong đó năm 2019 mở mới 21 tuyến, năm 2020 mở 25-30 tuyến.

Hà Nội có gần 2.000 xe buýt, tuy nhiên phần lớn xe cũ, chỉ có gần 60 xe đạt tiêu chuẩn châu Âu, 140 xe đạt chuẩn Euro 4. Có 12 đơn vị vận hành 123 tuyến, trong đó có 100 tuyến trợ giá.

Hà Nội có gần 2.000 xe buýt, tuy nhiên phần lớn xe cũ, chỉ có gần 60 xe đạt tiêu chuẩn châu Âu, 140 xe đạt chuẩn Euro 4. Có 12 đơn vị vận hành 123 tuyến, trong đó có 100 tuyến trợ giá.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020 đạt 20-25%.

Một trong những nội dung đáng chú ý của kế hoạch là Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức thêm làn đường ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường, trong đó có trục Nguyễn Trãi - Trần Phú dài 5km.

Ngoài ra, các tuyến đường dự kiến tách làn riêng cho xe buýt gồm: tuyến Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7 km; tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9 km; tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6 km.

Hà Nội cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới xe buýt tới ngoại thành, trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí...). Dự kiến số tuyến buýt mở mới đến năm 2020 khoảng 46-51 tuyến,  trong đó năm 2019 mở mới 21 tuyến, năm 2020 mở 25-30 tuyến.

Nhiều giải pháp khác được thành phố nghiên cứu, như: thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030...

Hà Nội hiện chỉ có một tuyến đường dành riêng cho xe buýt thường, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ. Tuyến đường dài 1,3 km, đưa vào sử dụng năm 2014.

Trước đó năm 2008, làn đường đầu tiên dành cho xe buýt ở Hà Nội được khai trương trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng). Tuy nhiên sau đó để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, làn đường dành riêng cho xe buýt bị xoá bỏ.

Ngoài ra, cuối năm 2016, Hà Nội khai trương tuyến khai buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa với quãng đường khoảng 14,7 km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa với làn đường ưu tiên. Tuy nhiên, tuyến BRT này cũng có nhiều đoạn BRT đi chung với các phương tiện giao thông khác.

Tuyến BRT số hai Kim Mã - Hoà Lạc được lên kế hoạch mở vào năm 2017 sau đó được thay thế bằng xe buýt thường.

Mỗi ngày xe buýt ở Hà Nội vận chuyển khoảng 1,2 triệu khách, chiếm hơn 12% thị phần vận tải ở thủ đô, bao phủ 100% quận huyện, 98% các bệnh viện, 100% trường học, 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị.

Hà Nội có gần 2.000 xe buýt, tuy nhiên phần lớn xe cũ, chỉ có gần 60 xe đạt tiêu chuẩn châu Âu, 140 xe đạt chuẩn Euro 4. Có 12 đơn vị vận hành 123 tuyến, trong đó có 100 tuyến trợ giá.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội sẽ mở thêm một số làn đường dành riêng cho xe buýt tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899