Hà Nội: Truy quét tụ điểm hàng lậu do người Trung Quốc đứng đầu

19/07/2020, 09:09

TCDN - Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra cơ sở dịch vụ bưu chính chứa hơn 100.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc do một người Quốc tịch Trung Quốc đứng đầu.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cùng thành viên Tổ 368 (Tổ công tác về Thương mại điện tử - Tổng Cục QLTT) tiến hành kiểm tra Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong thuộc Công ty TNHH Một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội (trụ sở chính tại số 199 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Người đứng đầu Chi nhánh là ông FANG HONG YUAN - Quốc tịch Trung Quốc. Cơ sở thuộc Công ty nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình, số 17 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh; Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh; Giấy phép hoạt động bưu chính số 276 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27/5/2016 có hiệu lực đến hết ngày 27/5/2026. Được cung ứng dịch vụ bưu chính với các nội dung: Dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2kg; Cung ứng trong phạm vi liên tỉnh (63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Hiện toàn bộ lô hàng trên đang tiếp tục được kiểm đếm, phân loại và tạm giữ để xác minh, làm rõ chủ hàng cụ thể

Hiện toàn bộ lô hàng trên đang tiếp tục được kiểm đếm, phân loại và tạm giữ để xác minh, làm rõ chủ hàng cụ thể

Đoàn kiểm tra phát hiện số lượng lớn hàng hóa được đóng trong các bao tải, túi nylon, thùng giấy, bên ngoài dán thông tin của các chủ hàng như Shop Hương Ngát, Tổng kho Thanh Vân, Shop Hồng Thắm...

Sau hơn một ngày kiểm đếm, đoàn kiểm tra phát hiện hơn 100.000 sản phẩm và hơn 20 bao hàng hóa.

Các mặt hàng gồm chăn ga, ấm đun nước điện, mặt nạ đắp mặt, táo sấy khô, quần áo Adidas, mỹ phẩm, xe máy, máy tập thể lực, sản phẩm tiết kiệm điện, miếng dán giảm cân... và có bao bì kèm theo có thể hiện mã vạch và sản xuất tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...

 Đoàn kiểm tra cho biết toàn bộ số hàng trên chỉ xuất trình được một hóa đơn giá trị gia tăng ngày 2-7, kèm tờ khai hải quan về 340 máy tập bụng Toshiko. Đối chiếu hàng hóa cụ thể thì không phù hợp chủng loại, kích thước.

Toàn bộ lô hàng trên đang tiếp tục được kiểm đếm, phân loại và tạm giữ để xác minh, làm rõ chủ hàng cụ thể. Đây là những hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ cũng như các hàng hóa không đúng với bản chất, công dụng của hàng hóa và các vi phạm khác.

Đánh giá về hoạt động của kho hàng này, đoàn kiểm tra cho biết đây là cơ sở nằm ẩn trong khu vực cảng ICD Mỹ Đình.

Cảng ICD Mỹ Đình là cảng chuyên dụng, nơi đặt trụ sở của cơ quan Hải quan nhằm thực hiện hoạt động kiểm tra hàng hóa, thông quan cho các hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không.

Việc kinh doanh trong khuôn viên của cơ sở này rất khó phát hiện vì thường bị lẫn đối với hoạt động thông quan của lực lượng hải quan.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Truy quét tụ điểm hàng lậu do người Trung Quốc đứng đầu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ma trận hàng lậu gắn mác xách tay “náo loạn” thị trường?
Không nhãn mác, không nguồn gốc rõ ràng, không xuất hóa đơn VAT đối với hàng xách tay là điều bình thường. Tuy nhiên do nhu cầu ham sính ngoại có nhiều người tiền mất tật mang khi bỏ tiền mua hàng “xách tay” nhưng lại sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bộ Công Thương quyết đẩy lùi hàng lậu, hàng giả
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung đẩy lùi nạn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.