Hà Nội yêu cầu các đơn vị dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần
TCDN - Từ ngày 10/8 - 16/8 là thời gian cao điểm của dịch COVID-19, do đó, đề nghị các đơn vị doanh nghiệp cần tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với nhu cầu bình thường của người dân, việc này thực hiện trong 3 tháng đối với 17 mặt hàng thiết yếu mà ngành Công Thương đã đưa ra.
Ngày 10/8, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã có buổi làm việc với Công ty TNHH AEON Việt Nam chi nhánh Hà Đông và Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market về công tác chuẩn bị hàng hóa và phòng, chống dịch COVID-19 của các đơn vị thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các đơn vị thương mại trên địa bàn thành phố cần chuẩn bị hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường, đảm bảo bình ổn giá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, kể cả trong những trường hợp tăng đột biến.
Trong công tác dự trữ hàng hóa, đề nghị phía doanh nghiệp thương mại bố trí lượng hàng tại các địa điểm bán hàng, lượng hàng trong kho trực tiếp của đơn vị và kho của các nhà phân phối, để làm sao các mặt hàng thiết yếu phải đảm bảo đúng yêu cầu đã đặt ra.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị các doanh nghiệp thương mại xây dựng một phương án để điều phối hàng hóa trong toàn hệ thống, phương án điều phối từ các kho hàng lên các quầy kệ, phương án điều phối của hệ thống này sang hệ thống khác một cách chi tiết, cụ thể trong mọi tình huống.
Các doanh nghiệp cần chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố để đảm bảo đủ nguồn hàng với 17 mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, phải tính toán đến phương án trong trường hợp rất nhiều tỉnh, thành phố nằm trong vùng doanh nghiệp nhập hàng phát hiện ra những ổ dịch lớn, và phải cách ly, phong tỏa.
Tất cả hàng hóa phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và giữ được giá bình ổn trong suốt thời gian công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như trong Chương trình bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán 2021.
Hàng hóa trên quầy kệ sắp xếp ngăn lắp, gọn gàng dễ lấy, dễ thấy và chuẩn bị đủ nhân lực và vật lực để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân đặc biệt trong lúc dịch bệnh bùng phát mạnh. Tăng cường kênh bán hàng online thay cho offline nhằm hạn chế việc người dân đến trực tiếp tại các quầy hàng.
Cần xây dựng phương án phòng chống dịch trên toàn hệ thống và trong từng hệ thống. Tập huấn cho cán bộ công nhân viên kinh nghiệm phòng chống dịch. Mặc dù Hà Nội chưa yêu cầu phải giãn cách xã hội nhưng khuyến cáo người dân khi đến những nơi đông người nên giãn cách không riêng gì ở quầy lễ tân, quầy thu ngân và cân hàng….
Hiện nay, do tác động của dịch COVID-19 nên Hà Nội không tổ chức được các chương trình hội chợ, tuần hàng…. Trong khi đó, các thông báo kết luận của thành phố đều ghi rõ ngành Công Thương phải đảm bảo đủ hàng hóa và tăng cường kết nối cung cầu.
Do đó, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, TP. Hà Nội cũng mong muốn mỗi một điểm bán hàng của doanh nghiệp thương mại bố trí một điểm hỗ trợ cho các tỉnh đưa hàng hóa, nông sản vào bán tại hệ thống. Việc này vừa giúp quảng bá sản phẩm, vừa giúp các tỉnh tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp cho thành phố cân đối cung cầu và giúp cho doanh nghiệp thu hút thêm khách hàng đến để mua các đặc sản của địa phương theo các mùa vụ.
Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp thương mại bố trí 1 điểm bán hàng OCOP nhằm giúp tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ riêng Hà Nội mà còn các tỉnh, thành phố, giúp người tiêu dùng có nhiều sản phẩm để lựa chọn.
Hà Nội phấn đấu hết năm 2020 các hệ thống phân phối không dùng sản phẩm túi nilông dùng 1 lần. Do đó, đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai tốt công tác phòng chống rác thải nhựa. Dự kiến, khoảng hết quý III/2020 Sở Công Thương sẽ làm việc với các siêu thị về kết quả triển khai công việc này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899