Hà Tĩnh: Gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chờ giải ngân
TCDN - Tính đến đầu tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh mới chỉ đạt 37% kế hoạch, vẫn còn gần 4.000 tỷ đồng chờ giải ngân.
Theo đó, những tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh chưa đến 40%. Có thể nói, ngoài nguyên nhân khách quan do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng, dịch Covid-19 thì còn có nguyên nhân chủ quan là năng lực, trách nhiệm của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án... còn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư.
Qua báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Tĩnh, tính đến tháng 6/2020, đơn vị đã nhận thông báo kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn 5.835.538 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ giải ngân được 2.130.934 triệu đồng, đạt 37% kế hoạch. Trong đó, các dự án do tỉnh quản lý, tỷ lệ giải ngân đạt 31%, nguồn vốn Trung ương quản lý đạt xấp xỉ 6%.
Cụ thể, một số dự án trọng điểm, có kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như: Đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng (giai đoạn 2) do Ban Quản lý Dự án công trình giao thông tỉnh quản lý), kế hoạch năm 2019 chuyển tiếp sang 2020 là 55,6 tỷ đồng, đến đầu tháng 6 mới giải ngân 530 triệu đồng, đạt 0,9 % kế hoạch; tiểu dự án kênh mương Ngàn Trươi - Cẩm Trang (giai đoạn 2), kế hoạch năm 2020 là 214 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân 14,5 tỷ đồng, đạt 6,7% kế hoạch…
Điều đáng nói, trong 206 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 đã được phân nguồn của tiểu dự án kênh mương Ngàn Trươi - Cẩm Trang đến hết ngày 10/6 vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Về nguồn vốn địa phương, năm 2020, Hà Tĩnh bố trí hơn 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 205 dự án. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 88 dự án được giải ngân, đạt xấp xỉ 20% kế hoạch. Còn, 117 dự án khác chưa được giải ngân vốn.
Riêng, nguồn vốn Trung ương và tỉnh, tại một số dự án ODA hiện cũng đang ì ạch trong công tác giải ngân như: Dự án hạ tầng phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh (BIIG2), kế hoạch năm 2020 giao 190 tỷ đồng; dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp 32,3 tỷ đồng; dự án trồng mới, phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh 27 tỷ đồng; dự án cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ 20 tỷ đồng…
Trước thực trạng đó, theo lãnh đạo KBNN Hà Tĩnh cho biết, thời gian tới KBNN Hà Tĩnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị và thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc để các dự án chậm tiến độ, giải ngân vốn không đạt yêu cầu. Đồng thời, quy rõ trách nhiệm từng cá nhân, bộ phận liên quan trong việc chậm trễ triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công khẩn trương rà soát, báo cáo chi tiết các khó khăn, vướng mắc tiến độ thực hiện giải ngân, thanh toán vốn kế hoạch năm 2020. Qua đó, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cắt, giảm, điều chuyển đối với các dự án đã được bố trí vốn, song giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang thanh toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát việc triển khai thực các dự án đầu tư. Qua đó, đề xuất UBND tỉnh “tuýt còi” những chủ đầu tư chưa hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn các dự án chậm giải ngân sang các dự án cấp bách khác. Đối với các nhà thầu chây ì, không phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án thì không cho tham gia dự thầu những công trình kế tiếp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899