Thất thoát hơn 1.500 tỷ, Công ty Gang thép Hà Tĩnh và loạt ngân hàng bị khởi tố
TCDN - Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay có nhiều sai phạm về chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện...và khi dự án dang dở đã gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỷ đồng và hơn 164.000 USD.
Ngày 24/4, sau quá trình điều tra, xác minh; căn cứ hồ sơ, tài liệu thu thập được, xác định Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan có dấu hiệu vi phạm “Vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 02/ANĐT về việc khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, đầu năm 2007, Tổng công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh), Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty CP Mangan (thuộc Mitraco Hà Tĩnh) đã thống nhất góp vốn thành lập Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh. Các cổ đông góp vốn gồm: Công ty TNHH Vạn Lợi góp 85% vốn điều lệ, Mitraco Hà Tĩnh góp 12% vốn điều lệ, Công ty CP Mangan góp 3% vốn điều lệ.
Ngày 6/6/2007, Sở KH&ĐT Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh với số vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Ngày 15/6/2007, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh được Ban Quản lý KKT Vũng Áng (nay là Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án khởi công vào tháng 6/2007.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay có nhiều sai phạm như: Năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện.
Bên cạnh đó, do sự biến động của thị trường… nên dự án dang dở, gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỉ đồng và hơn 164 ngàn USD.
Được biết, trước đó, Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi được 3 ngân hàng rót vốn cho dự án là: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB, chi nhánh Hà Tĩnh), ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh) và ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, chi nhánh Hà Tĩnh).
Sau khi triển khai xây dựng được 1 thời gian rồi tạm dừng, bỏ đó. Đến cuối năm 2015, ban Quản lý KKT Hà Tĩnh đã chính thức ra quyết định chấm dứt, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi.
Từ đó, số máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng của dự án trở thành đống sắt vụn. Ba ông lớn ngân hàng bị vỡ mộng vì số tiền 1.500 tỷ đồng đã rót cho chủ dự án thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Cụ thể, theo Quyết định thi hành án số 17/QĐ-CCTHADS ngày 10/10/2018 của Chi cục thi hành án thị xã Kỳ Anh, số tiền mà Công ty Gang thép Hà Tĩnh phải trả cho Ngân hàng Vietcombank là hơn 150 tỷ đồng; Ngân hàng BIDV 115 tỷ đồng; Ngân hàng VDB gần 1.300 tỷ đồng.
Các khoản nợ trên đều được đảm bảo bằng tài sản thế chấp hình thành trong tương lai theo hợp đồng số 02/2007/HĐ TCQSDĐ-TL/11-01-2008 giữa Công ty Gang thép Hà Tĩnh với VDB, BIDV và Vietcombank.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899