Hai ông lớn ngân hàng thế giới dính nghi án rửa tiền

01/10/2020, 15:14

TCDN - Hai "đại gia" ngân hàng HSBC và Standard Chartered của Anh là những cái tên được lặp lại thường xuyên trong hồ sơ giao dịch chuyển tiền bất minh của ngành ngân hàng thế giới.

2.000 tỷ USD đã được "rửa" qua hệ thống tài chính Mỹ

Tờ Guardian gọi những giao dịch tiền bất minh của ngành ngân hàng thế giới vừa được phanh phui là những giao dịch có khả năng tham nhũng cao khi hàng nghìn tài liệu chi tiết cho thấy các khoản giao dịch 2.000 tỷ USD đã được "rửa" qua hệ thống tài chính Mỹ. 

Tại thị trường Hong Kong, Trung Quốc cổ phiếu HSBC lao dốc 4,4% xuống 29,60 đô la Hong Kong, mức thấp nhất kể từ tháng 5-1995, trong khi cổ phiếu Standard Chartered niêm yết tại thị trường này cũng giảm 3,8% còn 35,80 đô la Hong Kong, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020.

Trong khi đó, cổ phiếu HSBC niêm yết tại London, Anh trượt dốc 3,6% về mức thấp nhất ghi nhận trong cuộc khủng khoảng tài chính châu Á năm 1998.  Cổ phiếu của Công ty dịch vụ tài chính - ngân hàng Barclays hôm 25-9 mất 4% ngay đầu phiên giao dịch tại London.

Nhiều khoản tiền bất hợp pháp được cho là chuyển qua HSBC và Standard Chartered.

Nhiều khoản tiền bất hợp pháp được cho là chuyển qua HSBC và Standard Chartered.

Trước đó, trang tin BuzzFeed và nhiều hãng truyền thông khác đưa tin, HSBC và Standard Chartered cùng nhiều ngân hàng khác đã chuyển lượng lớn tiền được cho là bất minh trong gần 2 thập kỷ qua, dù đã được cảnh báo đỏ về nguồn gốc các khoản tiền đó. Thông tin trên được đưa ra dựa trên các báo cáo hành vi đáng ngờ (SAR) mà các ngân hàng và công ty tài chính gửi Cơ quan xử lý vi phạm tài chính (FinCen) thuộc Bộ Tài chính Mỹ.

Các báo cáo SAR mà hãng tin BuzzFeed phanh phui và chia sẻ với Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế cùng nhiều hàng truyền thông khác, đã liệt kê 2.100 trường hợp "đáng ngờ". Theo Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế, HSBC và Standard Chartered là 2 trong số 5 ngân hàng xuất hiện nhiều nhất trong các tài liệu SAR. 

Các ngân hàng và tổ chức tài chính đã báo cáo về tài liệu SAR do họ cho rằng khách hàng đang sử dụng dịch vụ của họ vào hoạt động tiềm ẩn nguy cơ phạm pháp. Tuy nhiên, việc nộp báo cáo SAR lại không đồng nghĩa buộc các ngân hàng ngừng giao dịch với khách hàng khả nghi đó.

Thực hiện trong 18 năm

Các tài liệu được chuyển cho hãng tin BuzzFeed News và được chia sẻ với Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho thấy các ngân hàng lớn đã cung cấp dịch vụ tài chính cho những cá nhân có rủi ro phạm pháp cao từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí cả những cá nhân trong diện bị chính phủ Mỹ trừng phạt. 

Theo Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế, các tài liệu liên quan đến giao dịch tiền "bẩn" có giá trị hơn 2.000 tỷ USD được thực hiện trong 18 năm (1999-2017). Đáng chú ý, ông Paul Manafort, một chiến lược gia chính trị, người từng dẫn dắt chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump trong vài tháng, cũng có mặt trong danh sách những cá nhân dính líu đến hồ sơ SAR. 

Paul Manafort đã từ chức sau khi công việc tư vấn cho cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trước kia bị phanh phui. Sau đó vị chiến lược gia bị kết tội gian lận và trốn thuế.

Phản hồi trước cáo buộc giao dịch bất minh, đại diện HSBC cho biết: "Mọi thông tin mà Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế đưa ra đã là quá khứ". Phía HSBC cho biết thêm, kể từ năm 2012, ngân hàng này đã kiên trì củng cố năng lực đối phó với các tội phạm tài chính thông qua hơn 60 vùng tài phán. Đến cuối năm 2017, Bộ Tư pháp Mỹ đã xác định HSBC thực thi tất cả các nghĩa vụ và HSBC là định chế an toàn hơn nhiều so với thời điểm năm 2012.

Còn Standard Chartered khẳng định: "Chúng tôi có trách nhiệm đấu tranh chống các tội phạm tài chính một cách nghiêm túc và đầu tư kiên định vào các chương trình tuân thủ của mình". Trong khi, Barclays cho biết hãng này "tuân thủ tất cả các nghĩa vụ pháp lý và quy định, bao gồm cả nghĩa vụ liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ".

"Hành vi phạm pháp thường được nhận thức rõ ràng và thường được phanh phui khi thu thập bằng chứng cẩn thận để xác định liệu các giao dịch đã được thực hiện trước đó hay sau khi trình báo cáo SAR. Nếu chúng tôi nhận thấy những lo ngại về hành vi phạm tội tài chính, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp và thực tế đã làm như vậy đối với nhiều trường hợp trong nhiều năm qua", Barclays biện minh.

Theo CAND
Bạn đang đọc bài viết Hai ông lớn ngân hàng thế giới dính nghi án rửa tiền tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Con trai ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc có dấu hiệu rửa tiền
Theo kết luận điều tra, Trần Duy Tùng, con trai của Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), cùng đồng phạm có hành vi gửi trái phép 10,4 triệu USD tiền mặt vào Ngân hàng VietBankLao, có dấu hiệu của tội Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới hoặc Rửa tiền.