Hàng loạt đồng tiền mất giá trong xung đột Nga - Ukraine
TCDN - Nhiều đồng tiền quốc tế trải qua các đợt mất giá và biến động trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng và xung đột quân sự tại Nga - Ukraine.
Đồng rúp Nga dường như chịu tác động rõ nhất của xung đột quân sự, khi các bên áp lệnh trừng phạt với các ngân hàng và xuất nhập khẩu của Nga.
Bắt đầu có dấu hiệu mất giá sau khi Nga tuyên bố công nhận hai vùng ly khai, đến khi mở đầu chiến dịch quân sự, giá trị đồng rúp lao dốc xuống mức kỷ lục chỉ còn 109,13 rúp/USD hôm 28/2 (mất giá 30%).
Nga sau đó đưa ra các biện pháp giữ giá đồng tiền như cấm công dân sử dụng rúp để mua USD và các loại tiền khác, giới hạn số lượng USD có thể rút từ ngân hàng, yêu cầu các nước thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp,...
Đến nay đồng tiền đã hồi giá trở lại và thậm chí tiếp tục tăng mạnh dù ngân hàng trung ương Nga nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Tính đến ngày 18/3, giá rúp tăng 1,12% lên mức 79,1 rúp/USD, 81,81 rúp/euro. Tại thời điểm ngày 20/4, tỷ giá rúp/USD là 80,75.
Dù có dự trữ vàng và nhân dân tệ nhưng ngân hàng Nga thừa nhận chưa tìm được lựa chọn thay thế rõ ràng cho USD và euro. Mới đây, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga cho biết Moskva chuẩn bị kiện để đòi lại 300 tỷ USD dự trữ bị phong tỏa do các lệnh trừng phạt.
Hôm 18/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho rằng thời gian gần đây giá trị đồng yên giảm “khá nhanh” so với đồng USD, báo hiệu ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế tại Nhật.
Cụ thể, cuối năm ngoái, tỷ giá đồng yên so với đồng USD vào khoảng 114-115 yên đổi 1 USD. Tuy nhiên đến đầu năm nay, tỷ lệ này đã vượt quá 120 yên, tiếp theo là 125 yên đổi 1 USD và đến ngày 13/4 là 126 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002. Đến hôm 19/4, 1 USD tương đương với 128 yên, ngày giảm giá thứ 13 liên tiếp.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá này là khoảng cách khá lớn trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản để đối phó với tình trạng lạm phát thì BOJ vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine bùng phát đã khiến giá tài nguyên tăng chóng mặt và thúc đẩy tốc độ gia tăng lạm phát trên toàn thế giới.
Trong phiên giao dịch ngày 4/3, giá euro giảm 0,8% xuống còn 1 euro đổi được 1,0967 USD. Đây là lần đầu tiên euro giảm xuống mức dưới 1,1 USD trong gần hai năm.
Trong phiên giao dịch ngày 4/3, giá euro giảm 0,8% xuống còn 1 euro đổi được 1,0967 USD. Đây là lần đầu tiên euro giảm xuống mức dưới 1,1 USD trong gần hai năm.
Kinh tế thế giới chịu nhiều sức ép
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 18/4 hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,1% (đưa ra hồi tháng 1/2022) còn 3,2% do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch WB David Malpass, kinh tế châu Âu và Trung Á được dự báo giảm 4,1% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng của nhiều nước phát triển và đang phát triển cũng bị giảm do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.
Theo đài CNBC, một phần nguyên nhân dẫn đến sự leo thang giá cả này là các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào năng lượng Nga và hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine bị đình trệ.
Vào đầu tháng này, WB dự báo GDP của Nga năm nay sẽ giảm 11,2% do tác động của đòn trừng phạt. Dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/4 cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine đã thất bại.
Ông Malpass nhận định nợ và lạm phát cao đang đe dọa đến tăng trưởng toàn cầu, đồng thời bày tỏ nỗi lo các nước đang phát triển hiện phải đối mặt sự gia tăng đột ngột của giá năng lượng, phân bón và thực phẩm.
Ông cho biết thêm ban lãnh đạo WB sẽ đề xuất gói ứng phó khủng hoảng trị giá 170 tỉ USD cho giai đoạn từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2023, trong đó gần 50 tỉ USD sẽ được dành cho 3 tháng tới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899