Hàng loạt tỷ phú xuất hiện trong cơn sốt trà sữa ở Trung Quốc
TCDN - Ít nhất 6 người đã trở thành tỷ phú USD nhờ cơn sốt trà sữa trong vài năm qua sau khi các doanh nghiệp của họ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Trà sữa chân châu, loại đồ uống có vị ngọt làm từ trà và sữa, kết hợp cùng trân châu làm từ bột sắn dai, mềm, ra đời ở Đài Loan vào những năm 1980. Sự phổ biến của trà sữa tạo ra hàng loạt tỷ phú ở Trung Quốc - bao gồm Wang Xiaokun và Liu Weihong, đôi vợ chồng sáng lập Sichuan Baicha Baidao Industrial Co., chuỗi cửa hàng trà sữa lớn thứ ba Trung Quốc.
Hàng loạt công ty trà sữa lên sàn chứng khoán
Sichuan Baicha Baidao Industrial chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong ngày 23/4 và dự kiến huy động hơn 300 triệu USD từ bán cổ phiếu, trở thành công ty niêm yết lớn nhất ở Hong Kong kể từ tháng 11/2023 với định giá gần 4 tỷ USD. Wang và Liu trở thành tỷ phú với tài sản 2,7 tỷ USD dựa theo giá trị 73% cổ phần nắm giữ.
Hai đối thủ của Sichuan Baicha Baidao Industrial cũng dự kiến IPO là Guming Holdings, công ty lớn thứ hai trên thị trường trà sữa Trung Quốc với 9.000 cửa hàng và Auntea Jenny Shanghai Industrial Co., doanh nghiệp lớn thứ tư trong thị trường.
Mixue Group, tập đoàn trà sữa lớn nhất Trung Quốc, đang cân nhắc IPO. Công ty có 36.000 cửa hàng, gần bằng quy mô của Starbucks, chuỗi cửa hàng cà phê của Mỹ. Mixue do hai anh em Zhang Hongchao và Zhang Hongfu thành lập năm 1997. Theo Bloomberg, mỗi người nắm giữ tài sản ròng 1,5 tỷ USD.
Cơn sốt trà sữa mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất trà giá rẻ bởi nền kinh tế Trung Quốc đối mặt khó khăn trong những năm gần đây và người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ.
Xu hướng ấy đẩy Nayuki Holdings, công ty trà sữa trân châu cao cấp, vào tình thế khó khăn. Với 1.800 cửa hàng, giá cổ phiếu của Nayuki giảm gần 90% kể từ lúc IPO ở Hong Kong ba năm trước. Tài sản của Peng Xin và Zhaolin, hai nhà sáng lập Nayuki, giảm từ 2,2 tỷ USD năm 2021 xuống dưới 300 triệu USD hiện nay.
Chiến lược giá rẻ của chuỗi trà sữa
Sichuan Baicha Baidao Industrial khởi nguồn từ năm 2008, thời điểm Wang bắt đầu bán trái cây và trà trân châu ở một cửa hàng nhỏ gần trường học tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, nơi có đồ ăn cay nổi tiếng và là quê hương của gấu trúc.
Tới năm 2020, Wang phát triển mạng lưới cửa hàng lên 531, kết quả kinh doanh phất lên mạnh mẽ khi anh bắt đầu áp dụng mô hình nhượng quyền. Chiến lược của Wang là phát triển công thức pha chế, sau đó bán nguyên liệu trái cây và lá trà cho các cửa hàng nhượng quyền. Bằng cách này, chi phí vận hành chuỗi cửa hàng thấp hơn so với đối thủ Nayuki, công ty phải chi tiền lương cho nhân viên và cửa hàng nhiều hơn do trực tiếp điều hành.
Năm 2022, doanh thu của Sichuan Baicha Baidao Industrial là 580,3 triệu USD, tăng 16% so với năm trước. Lợi nhuận tăng 24% lên 132,3 triệu USD. Để nâng cao nhận thức thương hiệu với người tiêu dùng, công ty tài trợ các lễ hội âm nhạc, sự kiện văn hóa bên cạnh chiến dịch quảng cáo trực tuyến. Hồi tháng 6/2023, công ty nhận nuôi một con gấu trúc trong Trung tâm nghiên cứu nhân giống gấu trúc Thành Đô.
Chuỗi cửa hàng Sichuan Baicha Baidao Industrial mở rộng nhanh chóng với mạng lưới hơn 8.000 chi nhánh. Đồ uống tiêu biểu là trà sữa trân châu nhài, trà khoai môn trân châu, chè xoài bưởi bột báng. Các cốc trà 500 ml có giá hơn 2 USD trong khi giá trung bình toàn ngành là gần 5 USD. Hồi tháng 1, họ mở cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài tại Hàn Quốc.
"Khi nói đến trà sữa, người ta ít trung thành với nhãn hiệu mà luôn chọn giữa nhiều thương hiệu", Jason Yu, giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Greater, công ty nghiên cứu tiêu dùng chi nhánh ở Thượng Hải, nhận xét. "Vì vậy, nhãn hàng nào có nhiều cửa hàng hơn sẽ có cơ hội được người tiêu dùng nhìn thấy nhiều hơn".
Tuy nhiên, theo Yu, thành công chủ yếu phụ thuộc vào kiểm soát chi phí và cung cấp sản phẩm phù hợp giá tiền. "Người tiêu dùng chú ý hơn tới giá trà sữa vì các thương hiệu không thực sự khác biệt. Các sản phẩm tương tự vì đều là hỗn hợp trà cùng nguyên liệu khác như trái cây", Yu giải thích.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899