Hàng tồn kho tăng cao, thị trường thép Việt Nam vẫn chưa khởi sắc

13/10/2022, 18:37
báo nói -

TCDN - Trong bối cảnh triển vọng ngành thép thế giới không mấy khả quan, ngành thép tại Việt Nam cũng ảm đạm với lượng tồn kho tăng kỷ lục, nhiều doanh nghiệp lớn đối diện với nguy cơ thua lỗ nặng.

Bài toán tồn kho gây áp lực lên ngành thép

Bản tin tháng 10 của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tháng 9 sản lượng thép xây dựng có sự phục hồi, đạt 1.095.745 tấn, tăng 11,91% so với tháng trước và tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sản lượng bán hàng đạt 920.248 tấn, giảm 21,91% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 113.158 tấn, giảm 47,9% so với tháng 9/2021.

Từ cuối tháng 8/2022, các nhà máy xóa bỏ chính sách bảo lãnh giá tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 9 khi thị trường thép xây dựng khởi sắc hơn các tháng trước, các nhà thương mại và cửa hàng đã tái tạo tồn kho vốn đã giảm xuống mức rất thấp trước đây. Song nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế ở mức thấp, hơn nữa xuất khẩu giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực.

Các yếu tố trên khiến sản lượng bán hàng tháng 9 giảm mạnh, giảm 16,45% so với tháng 8. Các nhà máy đều đối diện mức lỗ lớn do tồn kho cao ở mức giá cao và đối diện diện mức lỗ lớn hàng tháng. Các nhà thương mại giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá có thể giảm.

tapchithep

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 9, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 12% so với tháng trước và tăng 47% so với tháng 9/2021. Bán hàng đạt 920.248 tấn, giảm 21% so với tháng trước nhưng tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 113.158 tấn, giảm 48% so với tháng 9/2021. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt 9,8 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ 2021. Bán hàng đạt 9,6 triệu tấn, tăng 9%.

Mới đây, CTCP Thép Pomina thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022 và đồng thời phải cắt giảm một số nhận sự để đảm bảo tình hình khi doanh.

Phía Thép Pomina cho biết, lý do buộc phải dừng hoạt động lò cao là bởi ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu tăng cao. Đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.

Bên cạnh đó, công ty CP Thép Thủ Đức - VnSteel (TDS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với lỗ lũy kế 9 tháng 15,8 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2021 có lãi 58 tỷ đồng. Riêng trong quý III/2022, công ty lỗ gần 30 tỷ đồng, gấp 36 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thép Thủ Đức đạt 411,7 tỷ đồng, tăng 2,1%  so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lỗ gộp 20,6 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ song chi phí tài chính tăng mạnh gấp gần 4 lần chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 4,5 lần lên 2.288 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 500 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thép Thủ Đức lỗ 15,8 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2021 có lãi 58 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu do đó giảm từ 297 tỷ đồng còn 276 tỷ đồng.

Riêng xuất khẩu thép xây dựng đạt 1,8 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng của tập đoàn Hòa Phát đã vượt 1 qua triệu tấn, tương đương cả năm 2021, chiếm 30% tổng lượng thép xây dựng doanh nghiệp cung cấp ra thị trường và chiếm 58% tổng lượng xuất khẩu thép xây dựng cả nước. Tuy vậy, tập đoàn Hòa Phát cũng bị giảm sản lượng tiêu thụ trong tháng 9, điều ít xảy ra trong các chu kỳ gần đây.

Vấn đề tồn kho cao là thực trạng trong những quý gần đây của ngành thép, trong quý 2/2022, ngành thép tồn kho kỷ lục hơn 110.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ so với cuối quý 1. Trong 110.000 tỷ đồng tồn kho này, riêng Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã chiếm hơn một nửa với hơn 57.500 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 762 tỷ đồng), tăng 17.500 tỷ đồng so với cuối quý 1 và cao hơn 11.500 tỷ đồng so với đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái.

Thời điểm cuối quý 2, tồn kho của 15 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm đến 95% tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép, trong đó có 10 doanh nghiệp ghi nhận giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. Cuối quý 2, tồn kho của Hoa Sen Group (mã HSG) cũng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Còn tồn kho của Nam Kim, SMC, Tiến Lên, TISCO, Kim khí TPHCM lần lượt là 8.439 tỉ đồng, 3.383 tỉ đồng, 2.902 tỉ đồng, 2.044 tỉ đồng, 625 tỉ đồng.

Về tỷ trọng tồn kho trên tổng tài sản, Hoa Sen ghi nhận ở mức 53,5% tính tới 30-6, tăng 26% so với đầu năm. Nam Kim ghi nhận ở mức 51,9%, tăng 21,4%. Thép Tiến Lên ghi nhận ở mức 69,2%, tăng 59,2%.

Như vậy, giá trị tồn kho và tỷ trọng tồn kho trên tổng tài sản của một số doanh nghiệp thép có xu hướng gia tăng. Yếu tố này, theo các công ty chứng khoán, sẽ tác động tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dù giá thép tăng hay giảm.

Khi giá thép tăng, các doanh nghiệp sẽ ghi nhận lợi nhuận cao nhờ nhu cầu tăng và hưởng lợi từ tồn kho giá rẻ. Còn khi giá thép giảm, giá trị tồn kho lớn sẽ là gánh nặng, khiến doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho và lợi nhuận lao dốc.

Chính sách thương mại của các thị trường lớn là Mỹ và EU thay đổi theo hướng bất lợi

Trong thời gian gần đây, các thị trường lớn khác của thép Việt Nam là Hoa Kỳ và EU cũng không mấy lạc quan. Ngày 29/8, giá thép HRC kỳ hạn tháng 9 của Mỹ giảm 10,4% so với tháng trước, rơi xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại do lạm phát và lãi suất gia tăng, chi phí năng lượng cao và lo ngại suy thoái đã làm giảm nhu cầu thép, gây áp lực lên thị trường thép toàn cầu.

Hoàn cảnh khó khăn này cũng được dự báo sẽ xảy ra tại châu Âu. Hiệp hội Thép châu Âu cho biết nhu cầu thép tại châu lục này sẽ giảm trong 4 tháng cuối năm 2022. Do những bất ổn đến từ khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Hiện tại, Mỹ và các nước tại khu vực châu Âu (EU) liên tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát phi mã, rủi ro suy thoái gia tăng sẽ phủ bóng đen lên triển vọng tiêu thụ sắt thép trên thế giới. Mỹ cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã nới lỏng hạn ngạch thuế quan đối với thép Nhật Bản, EU và Vương Quốc Anh.

EU gia tăng biện pháp bảo hộ đối với thép mạ Việt Nam. Từ 1/7/2022 đến 30/6/2024, tôn mạ kim loại (nhóm 4A) của Việt Nam được quản lý theo hạn ngạch. Hạn ngạch miễn thuế của nhóm “Các nước khác”, gồm Việt Nam, là 1,8 triệu tấn cho giai đoạn 1/7/2022 đến 30/6/2023 và tăng 4% trong năm tiếp theo. Nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.

Ngành thép toàn cầu sau khi giảm 6,5% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7 đã tiếp tục giảm thêm 3% sản lượng thép thô trong tháng 8. Tại châu Âu, nhà sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới ArcelorMittal đã ngừng hoạt động các lò cao ở Đức, Pháp, ba Lan và Tây Ban Nha và dự báo sản lượng ở châu Âu sẽ thấp hơn 17% so với năm ngoái.

Giá nguyên liệu sản xuất thép biến động mạnh, cụ thể giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi đầu quý II và quý III đến nay liên tục giảm với mức giảm 50% so với quý I/2022, đã khiến các doanh nghiệp thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, các cuộc chiến tranh thế giới dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động thất thường. Giá bán không đủ bù đắp giá vốn đã làm lợi nhuận gộp trong quý 3 của doanh nghiệp bị thua lỗ. Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng là gánh nặng cho công ty khi hàng hóa tiêu thụ chậm và ngân hàng siết room tín dụng cũng như lãi suất tăng cao.

Hiện tại, triển vọng nhu cầu tiêu thụ thép thế giới chưa chắc chắn do lo ngại tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia. Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng và nhu cầu thép thành phẩm toàn cầu. Nhu cầu thép của Trung Quốc phần lớn được hỗ trợ bởi các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Trung Quốc đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, hàng loạt dự án bị đình trệ.

Những năm trước, Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, nhưng ngành công nghiệp thép nước này đang bước vào giai đoạn bấp bênh do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản ngày càng trầm lắng, kéo theo nhu cầu thép đi xuống.

Nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường Trung Quốc trở nên suy yếu khiến cho tỷ trọng xuất khẩu thép của Việt Nam sang quốc gia 1,4 tỷ dân giảm mạnh. Năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 8/2022, Trung Quốc đã tụt về cuối bảng xếp hạng top 10 trong danh sách này.

Đồng thời, chính sách zero-covid tại nhiều thành phố lớn tiếp tục kéo chậm nền kinh tế Trung Quốc, cản trở sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn thép, giảm 17,49% so với cùng kỳ 2021, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Theo bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo lợi nhuận năm 2022 của một số doanh nghiệp thép niêm yết sẽ giảm mạnh so với năm 2021 do xuất khẩu thép của Việt Nam có thể giảm tốc trong hai quý cuối năm 2022.

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Hàng tồn kho tăng cao, thị trường thép Việt Nam vẫn chưa khởi sắc tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899