Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
TCDN - Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, các chuyên gia thảo luận và thống nhất trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao, cải cách thể chế kinh tế là nhiệm vụ then chốt để duy trì động lực tăng trưởng.

Theo các chuyên gia, triển vọng kinh tế thế giới năm 2025 được các tổ chức quốc tế dự báo tương đối lạc quan, với mức tăng trưởng toàn cầu dao động từ 2,7% (Ngân hàng Thế giới) đến 3,3% (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, OECD). Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng và vai trò dẫn dắt của Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro, trong khi các nền kinh tế phát triển và đang phát triển khác duy trì mức tăng trưởng khoảng 2% và 4%. Mặc dù triển vọng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2024, nhưng tốc độ phục hồi vẫn chậm hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, những thay đổi trong chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ cùng với rủi ro địa chính trị, xung đột vũ trang và thiên tai có thể làm gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến sản xuất. Những yếu tố này khiến triển vọng kinh tế thế giới năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách kinh tế của các quốc gia.
Kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi. Ban đầu, Nghị quyết số 158/2024/QH15 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7,5%. Tuy nhiên, Kết luận số 123/KL-TW ngày 24/01/2025 từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng nâng mục tiêu lên 8% trở lên, tạo nền tảng để đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Ngày 19/2/2025, Quốc hội chính thức cập nhật mục tiêu này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặt tham vọng quy mô GDP vượt 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD. Theo kế hoạch, khu vực công nghiệp – xây dựng dự kiến tăng trưởng từ 9,5%, dịch vụ từ 8,1% và nông, lâm, thủy sản từ 3,9%, cao hơn mức năm 2024 khoảng 0,7 – 1,3%. Chính phủ đã cụ thể hóa các giải pháp để đạt mục tiêu GDP ít nhất 8%, thậm chí hướng tới tăng trưởng hai con số nếu điều kiện thuận lợi. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, được yêu cầu đạt mức tăng trưởng GRDP từ 8 – 10%, đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế quốc gia.
Xem nội dung kỷ yếu hội thảo tại đây.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899