Hơn 3,37 triệu tỷ đồng trái phiếu chính phủ được huy động trong 15 năm
TCDN - Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, trong 15 năm vừa qua, Chính phủ đã huy động được 3,37 triệu tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, chiếm hơn 80% khối lượng huy động vốn hàng năm cho ngân sách nhà nước.
Chiều 5/12, Bộ Tài chính tổ chức “Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động và phát triển thị trường trái phiếu chính phủ”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã có sự tăng trưởng nhanh và đồng bộ, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương huy động vốn cho đầu tư phát triển ở trung ương, địa phương và các ngân hàng chính sách huy động vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của nhà nước.
Cụ thể theo trong 15 năm vừa qua, Chính phủ đã huy động được 3,37 triệu tỷ đồng thông qua phát hành TPCP, chiếm hơn 80% khối lượng huy động vốn hàng năm cho ngân sách nhà nước, quy mô thị trường TPCP hiện ở mức 23% GDP, tăng 18 lần khi chúng ta đưa TPCP vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thông qua thị trường trái phiếu, 2 ngân hàng chính sách đã huy động được 476.601 tỷ đồng, chính quyền các địa phương đã huy động được 39.893 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng, sự phát triển của thị trường TPCP đóng vai trò quan trọng trong phát triển thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Khi mới đi vào hoạt động, thị trường TPCP có rất ít sản phẩm, cho đến nay đã có đầy đủ các kỳ hạn từ dưới 1 năm đến 30 năm, giá trị giao dịch bình quân phiên tăng từ mức 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức 11.200 tỷ đồng/phiên trong 10 tháng đầu năm 2024 gấp hơn 30 lần so với năm 2009…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện tái cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng vừa kéo dài kỳ hạn vừa giảm lãi suất để đảm bảo an toàn nợ công (hiện nay kỳ hạn còn lại bình quân danh mục là 9,05 năm, tăng khoảng 3 lần so với năm 2009), đồng thời tái cơ cấu lại hệ thống các nhà đầu tư theo hướng tăng cường nhà đầu tư dài hạn như Bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp bảo hiểm để thị trường hoạt động ổn định, vững chắc.
Đồng thời, thực hiện giải pháp nhằm nâng cao tính thanh khoản và phát triển thị trường về chiều sâu, về cơ bản có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành TPCP với công tác quản lý ngân quỹ và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, thị trường TPCP còn nhiều tiềm năng để phát triển vì hiện nay tỷ trọng đầu tư TPCP so với tổng tài sản của các nhà đầu tư như ngân hàng thương mại chỉ chiếm 4,3%, doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 22%.
Tuy nhiên, để phát triển thị trường TPCP trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, trên cơ sở đánh giá, nhận diện những bất cập trong công tác phát hành TPCP như phát hành TPCP gắn với quản lý ngân quỹ và giải ngân vốn đầu tư công để chủ động hơn trong công tác phát hành, tránh việc điều hành bị động như các năm vừa qua. Xây dựng đường cong lãi suất TPCP với đầy đủ các kỳ hạn từ ngắn đến dài hạn làm tham chiếu chuẩn trên thị trường. Rà soát khung pháp lý để xây dựng được hệ thống nhà tạo lập thị trường có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Về tổ chức thị trường sơ cấp và thứ cấp, cần tiếp tục rà soát để tăng thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp, thứ cấp, chú trọng gắn kết với tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Trong điều kiện thị trường thuận lợi, lãi suất huy động thấp tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài để huy động vốn cho ngân sách nhà nước để tiết kiệm chi phí và tái cơ cấu nợ Chính phủ, nợ công. Tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường chứng khoán và hệ thống giao dịch, cải tiến chế độ thông tin, báo cáo giao dịch bảo đảm chính xác, kịp thời, tiến tới xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn tin cậy có tính tham chiếu cao cho thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư…
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tại Chiến lược tài chính và chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 cũng như triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn tới là rất lớn. Với chủ trương phát huy nội lực để phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới, đặt ra yêu cầu phải phát triển thị trường trái phiếu chính phủ cả về quy mô, tính thanh khoản và chủ động hội nhập với thị trường quốc tế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899