HoREA kiến nghị bổ sung quy định đặt cọc khi mua nhà

27/10/2021, 08:40

TCDN - Góp ý về dự thảo Nghị định 76, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết đơn vị này cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo nhưng hiệp hội nhận thấy có một số bất cập đối với Khoản 2, Điều 5 của dự thảo nghị định này.

HoREA kiến nghị bổ sung quy định đặt cọc 30% giá trị bất động sản.

HoREA kiến nghị bổ sung quy định đặt cọc 30% giá trị bất động sản.

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi tới Bộ Xây dựng để góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong văn bản này, HoREA cho biết, tại Khoản 2 Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (Dự thảo Nghị định 76) quy định:

“Trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư dự án bất động sản phải có văn bản (nêu rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp và tên, địa điểm dự án (nếu có), loại hình giao dịch, loại bất động sản giao dịch, dự kiến thời gian ký kết hợp đồng), kèm theo mẫu hợp đồng áp dụng cho từng dự án gửi trực tiếp hoặc thông qua bưu điện đến cơ quan quản lý nhà ở tại trung ương.

Trường hợp này quy định đối với chủ đầu tư xây dựng nhiều dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc dự án nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Hoặc chủ đầu tư phải gửi hồ sơ tương tự đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu chủ đầu tư chỉ đầu tư xây dựng dự án tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) để được tổng hợp, theo dõi”.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định điều khoản này sẽ tạo thêm thủ tục hành chính và mất thêm thời gian, có thể tác động làm tăng thêm giá nhà, làm giảm cơ hội kinh doanh của chủ đầu tư dự án bất động sản.

Thứ hai, Khoản 2 Điều 5 “Dự thảo Nghị định 76” không phù hợp với Khoản 2 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: “Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 5 “Dự thảo Nghị định 76” lại quy định áp dụng đối với mọi mọi trường hợp “bán, cho thuê mua nhà ở có sẵn, hoặc hình thành trong tương lai”.

Thứ ba, tại Khoản 2 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ quy định “chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh”, nhưng Khoản 2 Điều 5 “Dự thảo Nghị định 76” lại quy định “gửi đến cơ quan quản lý nhà ở ở Trung ương, hoặc gửi đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh”.

Thứ tư, điều khoản này quy định chủ đầu tư gửi đến cơ quan quản lý nhà ở ở Trung ương, hoặc gửi đến cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh để tổng hợp, theo dõi, nhưng Hiệp hội nhận thấy, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng không thể quản lý “kiểu thủ công” như thế này mà nên áp dụng công nghệ để quản lý.

Thứ năm là Khoản 2 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không quy định Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện, nên nội dung Khoản 2 Điều 5 “Dự thảo Nghị định 76” là không phù hợp.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị bỏ Khoản 2 Điều 5 “Dự thảo Nghị định 76”, không quy định: Trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư dự án bất động sản phải có văn bản gửi đến cơ quan quản lý nhà ở ở Trung ương, hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh để tổng hợp theo dõi. Chủ đầu tư dự án bất động sản có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Một vấn đề khác cũng được HoREA nhấn mạnh với Bộ Xây dựng là đề nghị quản lý hành vi giao dịch bất động sản trước khi ký hợp đồng kinh doanh bất động sản, nhất là giao dịch đặt cọc.

Theo HoREA, trước đây, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ điều chỉnh các hành vi giao dịch bất động sản kể từ thời điểm ký hợp đồng kinh doanh bất động sản, nhưng chưa điều chỉnh các hành vi giao dịch trước thời điểm ký hợp đồng như đặt cọc, hứa mua, hứa bán, hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết, hợp đồng góp vốn… Điều này dẫn đến xuất hiện tình trạng nhận tiền đặt cọc có giá trị lớn.

Thậm chí, có trường hợp lên đến 90% giá trị nhà đất, trong lúc khoản 1, điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định việc thanh toán lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng.

Do đó, HoREA đề nghị bổ sung khoản 3, điều 5 dự thảo Nghị định 76 quy định về đặt cọc như sau: “Trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư dự án bất động sản có thể nhận tiền đặt cọc của khách hàng để bảo đảm giao kết hợp đồng kinh doanh bất động sản. Giá trị đặt cọc do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 30% giá trị bất động sản. Hình thức văn bản thỏa thuận đặt cọc do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự”.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết HoREA kiến nghị bổ sung quy định đặt cọc khi mua nhà tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

HoREA kiến nghị giảm lãi suất, khoanh nợ cho doanh nghiệp bất động sản
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi đến Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét giảm lãi suất cho vay, cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ đối với doanh nghiệp bất động sản và người vay tiền mua nhà.
HoREA kiến nghị sửa quy định 'gỡ vướng' cho doanh nghiệp bất động sản
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư 2020 - được cho là cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản.
Phó thủ tướng chỉ đạo ngăn 'nóng cục bộ' giá bất động sản
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường bất động sản tăng.