IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong 2021
TCDN - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4%.
Kết thúc đợt tham vấn trực tuyến từ 15/10 đến 13/11 với Việt Nam, bà Era Dabla Norris, Trưởng phái đoàn Điều IV Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nhờ kiểm soát được Covid-19, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP ở mức 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Trước đó, hồi tháng 10, IMF đã đưa ra nhận định Việt Nam có thể tăng trưởng 1,6%, thuộc số ít quốc gia trên thế giới được dự báo tăng trưởng dương.
Cùng với đó, IMF cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với GDP đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4%.
Tuy nhiên, theo IMF, thâm hụt tài khoá dự báo sẽ nới rộng do thu ngân sách giảm, chi hỗ trợ bằng tiền và chi đầu tư đều tăng. Hỗ trợ tài khoá nên tiếp tục duy trì trong năm 2021 với ưu tiên cho việc cải thiện hiệu quả công tác triển khai. Trong trung hạn, cần tập trung vào huy động nguồn thu cho các dự án hạ tầng xanh và hiệu quả, tăng cường các hệ thống an sinh xã hội và đảm bảo bền vững nợ công.
IMF khuyến nghị, chính sách tiền tệ nên tiếp tục mang tính hỗ trợ trong ngắn hạn. Một cơ chế tỉ giá linh hoạt hơn về cả hai phía trong khuôn khổ hiện nay sẽ giảm bớt nhu cầu tích luỹ các đệm dự trữ và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh khi môi trường bên ngoài trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã cân bằng hợp lý giữa việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và đảm bảo khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng. Việc giám sát chặt chẽ những rủi ro trong hệ thống ngân hàng vẫn là một yêu cầu thiết yếu khi mà các đệm vốn của ngân hàng vẫn còn thấp hơn ngân hàng tại các nước ngang hàng trong khu vực và triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất trắc.
IMF khuyến cáo, các quy định về phân loại khoản vay và ghi nhận nợ xấu nên dần được quay trở lại áp dụng như bình thường để hỗ trợ sự minh bạch của bảng cân đối kế toán và niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Cần củng cố hơn nữa tình hình vốn của các ngân hàng và phát triển thị trường vốn để nâng cao sức chống chịu về tài chính, thúc đẩy huy động vốn dài hạn.
Ngoài ra, IMF lưu ý Việt Nam nên ưu tiên cho việc giảm gánh nặng tuân thủ đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cải thiện tiếp cận đất đai và nguồn lực tài chính, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, và giảm bớt tham nhũng.
Việc thiết lập một cơ chế phá sản riêng kịp thời và nhanh gọn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp khơi thông được nguồn vốn và hạn chế những trường hợp thanh lý phá sản không cần thiết. Mặt khác, giảm sự mất cân đối giữa cung và cầu kỹ năng lao động, tăng cường tiếp cận công nghệ và nguồn vốn con người cũng sẽ giúp thúc đẩy năng suất lao động.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899