IMF: Thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lãi suất toàn cầu lên cao

12/01/2025, 10:10
báo nói -

TCDN - IMF cảnh báo những lo ngại liên quan đến lời đe dọa áp thuế thương mại của ông Donald Trump đang đẩy chi phí vay dài hạn lên cao, làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025.

Trong cuộc gặp với báo giới tại Washington vừa diễn ra, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết sự bất ổn về chính sách thương mại của chính quyền Mỹ mới đang làm trầm trọng thêm những thách thức của kinh tế toàn cầu và "tác động rõ rệt lên lãi suất dài hạn trên phạm vi toàn cầu".

Bà đánh giá đây là tình huống "rất bất thường" trong lịch sử gần đây khi lãi suất dài hạn tăng trong khi lãi suất ngắn hạn giảm.

IMF cảnh báo những lo ngại liên quan đến lời đe dọa áp thuế thương mại của ông Donald Trump.

IMF cảnh báo những lo ngại liên quan đến lời đe dọa áp thuế thương mại của ông Donald Trump.

Ông Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đã cam kết áp thuế mới với hàng nhập khẩu từ các đối thủ như Trung Quốc cũng như đồng minh như Canada và Mexico.

Theo đó, ông Trump đã cam kết áp thuế lên tới 10% đối với hàng nhập khẩu toàn cầu, 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, và 25% đối với các sản phẩm của Canada, Mexico. Các chuyên gia thương mại cho rằng những mức thuế này sẽ làm đảo lộn các dòng chảy thương mại, tăng chi phí và dẫn đến các hành động trả đũa.

Hiện chưa thể xác định được mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các mức thuế nói trên, nhưng một số thị trường được cho là sẽ chịu tác động nặng nề. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, kìm hãm tăng trưởng và đẩy giá cả lên cao.

Kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas từng cảnh báo hồi tháng 10 rằng thuế quan và bất ổn thương mại có thể khiến sản lượng toàn cầu giảm khoảng 0.5%.

Những tuần cuối năm 2024 và đầu năm 2025 đã chứng kiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh trên toàn cầu và đồng USD tăng vọt, khi nhà đầu tư cân nhắc tác động tiềm tàng từ các chính sách nhiệm kỳ hai của Trump.

"Với quy mô và vai trò quan trọng của nền kinh tế Mỹ, không có gì ngạc nhiên khi có sự quan tâm lớn trên toàn cầu về định hướng chính sách của chính quyền sắp tới, đặc biệt về thuế quan, thuế, nới lỏng quy định và hiệu quả Chính phủ", bà Georgieva nói. Bà nhận định tác động từ chính sách thương mại của Mỹ sẽ gay gắt nhất đối với các quốc gia và khu vực gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm nhiều nền kinh tế quy mô trung bình và châu Á.

Bà Georgieva cảnh báo sức mạnh của đồng USD "có thể đẩy chi phí huy động vốn lên cao hơn cho các nền kinh tế mới nổi và đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp". Bà cũng cho rằng các số liệu kinh tế Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm ấn tượng trong ngày 10/1, cho thấy Fed "có thể chờ thêm dữ liệu trước khi thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo".

Về triển vọng kinh tế toàn cầu, bà Georgieva cho biết IMF sẽ dự báo tăng trưởng ổn định và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2025. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng hầu hết các quốc gia cần cắt giảm chi tiêu tài khóa sau giai đoạn chi tiêu cao trong đại dịch COVID và thực hiện cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

"Các quốc gia không thể dựa vào vay nợ để thoát khỏi khó khăn. Họ chỉ có thể tăng trưởng để vượt qua", bà nhấn mạnh và cho biết triển vọng tăng trưởng trung hạn của thế giới đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Đáng chú ý, bà Georgieva đánh giá việc lãi suất cao hơn để chống lạm phát không đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái là một điểm tích cực. Tuy nhiên, diễn biến lạm phát đang có sự phân hóa giữa các khu vực, đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải theo dõi sát sao dữ liệu địa phương để có chính sách phù hợp.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết IMF: Thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lãi suất toàn cầu lên cao tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

IMF: Việt Nam còn dư địa tài khóa lớn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn và các thành viên đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam còn dư địa tài khóa lớn để hỗ trợ tăng trường kinh tế. Do đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn…