Kết quả kinh doanh tốt, cổ phiếu DCM vẫn giảm mạnh trong tháng

17/02/2021, 19:35

TCDN - Giá cổ phiếu DCM giảm hơn 10% trong vòng một tháng qua do những đợt bán tháo trong tháng 1, bất chấp kết quả kinh doanh ấn tượng.

Giá cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau đạt 12.800 sau phiên giao dịch ngày 17/2, tăng 2,4% so với giá kết phiên ngày 9/2 (phiên cuối cùng trước Tết cổ truyền Tân Sửu). Tuy nhiên, trong vòng một tháng gần nhất, giá cổ phiếu DCM giảm 10,18%. Trong vòng một quý gần nhất, giá cổ phiếu DCM chỉ tăng hơn 3%. Đây là điều khiến giới đầu tư bất ngờ vì lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Phân bón Dầu khí Cà Mau đạt 665 tỷ đồng, tăng hơn 56% so với năm 2019.

Đà tăng giá chậm của cổ phiếu DCM diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua chuỗi giảm điểm kỷ lục vào ngày 19/1 và 28/1. Mặc dù vậy, giới đầu tư nhân định tương lai của DCM trong vài tháng tới sẽ rất tích cực trong bối cảnh ngành phân bón có cơ hội tốt trong năm nay.

Báo cáo mới nhất của công ty chứng khoán FPTS nhận định mới đây của Chứng khoán FPT (FPTS), thị trường phân bón trong nước đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố tích cực.

Về cơ cấu tiêu thụ theo loại phân bón trong nước, phân NPK là loại phân bón được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm 35,5% tổng lượng tiêu thụ cả nước trong năm 2019. Dù cả nước có tới 800 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân NPK nhưng các doanh nghiệp đầu ngành như Phân bón Bình Điền (BFC) hay Hóa chất Lâm Thao (LAS) cũng chỉ chiếm 15 – 17% thị phần nội địa.

Tỷ trọng phân NPK nhập khẩu chiếm từ 11% - 13% nhu cầu tiêu thụ cả nước. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là phân NPK chất lượng cao do các doanh nghiệp có thương hiệu như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Baconco, Vinacam,… nhập về và phân phối dưới thương hiệu của mình.

Với việc thị trường nội địa đang dư thừa các sản phẩm chất lượng thấp nhưng lại thiếu hụt một lượng lớn sản phẩm NPK cao cấp, FPTS cho rằng đây tạo cơ hội cho các doanh nghiệp NPK nội địa khi tham gia vào phân khúc này.

Bên cạnh đó, FPTS ước tính lượng tiêu thụ phân ure năm 2020 trong nước ước đạt 2,45 triệu tấn, tăng nhẹ 0,9% so với năm 2019. Fertecon dự báo nhu cầu phân ure Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 1%/năm trong giai đoạn 2020 – 2024, trong đó tăng trưởng tiêu thụ cho nông nghiệp đạt 0,9%/năm và sử dụng cho sản xuất công nghiệp đạt 2,1%/năm.

dcm3

Ở thị trường nội địa, tiêu thụ phân ure của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau năm 2019 cao nhất cả nước, lần lượt chiếm 28,6% và 29,7% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Trong khi đó, nhập khẩu phân ure cũng giảm khiến các nhà sản xuất trong nước khác được hưởng lợi, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình tại thị trường Miền Bắc gia tăng thị phần lên 25%.

Mặt khác, trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến giá dầu thế giới có những thời điểm sụt giảm mạnh, khiến nhóm phân đạm hưởng lợi trong ngắn hạn.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Kết quả kinh doanh tốt, cổ phiếu DCM vẫn giảm mạnh trong tháng tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan