Khánh Hoà đứng thứ hai về tăng trưởng GRDP

08/10/2022, 20:01
báo nói -

TCDN - Sau thời gian dài kinh tế suy giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế tỉnh Khánh Hòa đang phục hồi và tăng trưởng nhanh, GRDP đạt mức tăng trưởng hơn 20%.

9 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước nổi lên nhiều điểm sáng, trong đó, kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực như: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9.63%, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%.

Theo đó, cả nước có 10 địa phương đạt tăng trưởng GRDP trên 11%, đóng góp lớn vào mức tăng chung 8,83% của cả nước trong 9 tháng đầu năm (mức cao nhất từ năm 2011 đến nay).

Top 10 địa phương dẫn đầu tăng trưởng GRDP 9 tháng

Top 10 địa phương dẫn đầu tăng trưởng GRDP 9 tháng

Cụ thể, Bắc Giang, nhờ giá trị sản xuất công nghiệp duy trì ở mức cao, tăng trưởng GRDP quý 3/2022 đạt 23,74% (quý 2 đạt 24%), góp phần đưa tăng trưởng GRDP trong 9 tháng đầu năm đạt mức cao 23,98%, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu cả nước.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau 2 năm tăng trưởng âm, khả năng năm 2022, GRDP của tỉnh tăng trưởng khoảng 18%. Để kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững, phấn đấu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh đang huy động tối đa nguồn lực, kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, có tính động lực để dẫn dắt xu hướng phát triển.

“So với 2 năm trước đó, âm đến gần 16% thì, tỉnh phải tiếp tục có chỉ đạo đến cuối năm. Nhất là kịch bản tăng trưởng của giai đoạn sắp đến phải tính kỹ lưỡng, kể cả tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn trong ngân sách…để tạo được cú hích. Nếu như kinh tế tăng trưởng từ 7-10%, thì phải tiếp tục có định hướng sâu sắc", ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay.

Trong 9 tháng năm 2022, GRDP của tỉnh Khánh Hòa cũng tăng tới 20,48%, xếp thứ hai cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 25,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 63.532 tỷ đồng, tăng 57,9%; ngành du lịch tỉnh tiếp tục phục hồi ấn tượng với doanh thu du lịch đạt 10.801 tỷ đồng, tăng 5,5 lần; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1.207 triệu USD, tăng 28,1%; thu ngân sách nhà nước đạt 12.270 tỷ đồng, tăng 23,2%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 41.103 tỷ đồng, tăng 14,1%…

9 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng vươn lên góp mặt ở vị trí thứ 3 với mức tăng trưởng GRDP lên tới 39,15% trong quý 3, kéo GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 16,76% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, Cần Thơ là địa phương có sự bứt phá ấn tượng nhất, từ việc xếp vị trí 21 về GRDP trong 6 tháng đầu năm 2022 (đạt 8,04%), “đô thị hạt nhân” của đồng bằng sông Cửu Long đã vươn lên vị trí thứ 3 trong top 10 địa phương dẫn đầu GRDP 9 tháng với mức tăng 17,57%.

Các địa phương khác góp mặt trong top 10 đều tăng trưởng trên 11% còn có Hậu Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Quảng Nam, Hải Phòng và Tây Ninh. Trong đó, những địa phương mới có mặt trong top 10 (thay đổi so với 6 tháng đầu năm 2022) là Cần Thơ, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Tây Ninh.

Ngoài ra, 9 tháng đầu năm còn có nhiều địa phương tăng trưởng trên 10% như Quảng Ninh, Hải Dương, Hòa Bình, Kontum, Đắk Lắk và Vĩnh Long.

Về hai địa phương đầu tàu kinh tế, Tp.HCM và Hà Nội dù bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng đã có tốc tộ tăng trưởng tốt, phục hồi nhanh.

Từ đầu năm đến nay, kinh tế tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng hơn 20%, nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng khá như du lịch, công nghiệp, xuất khẩu thủy sản…

Từ đầu năm đến nay, kinh tế tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng hơn 20%, nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng khá như du lịch, công nghiệp, xuất khẩu thủy sản…

Theo đó, quý III/2022, tăng trưởng GRDP của Tp.HCM lên tới 30,02%; còn 9 tháng là 9,97%; thu ngân sách 9 tháng được 350.000 tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán, thu hút đầu tư nước ngoài thuộc top đầu cả nước.

Về Tp.Hà Nội, tăng trưởng GRDP của Thành phố trong quý III đạt 15,71%, còn 9 tháng là 9,69%; thu ngân sách đạt trên 244.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài được trên 1 tỷ USD…

Đây là những mức tăng trưởng khá ấn tượng và cho thấy nền kinh tế đã phục hồi tích cực, đồng đều cả ở ba khu vực.

Kịch bản kinh tế về đích

Dự báo tình hình quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, cao hơn khoảng 1,5-2 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Theo đó, có hai kịch bản tăng trưởng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra.

Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, thì quý IV cần đạt mức tăng trưởng 5,9%, thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm, nhưng cao hơn tốc độ tăng của quý IV/2021 (5,22%).

Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, thì quý IV cần đạt mức tăng trưởng 6,6%, nằm trong khoảng kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,2-6,7%), tương đương mức tăng trưởng bình quân quý IV các năm 2016-2020.

Như vậy, nếu không có những diễn biến bất thường, kinh tế Việt Nam sẽ về đích năm 2022, với 14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là tăng năng suất lao động.

Thái Minh
Bạn đang đọc bài viết Khánh Hoà đứng thứ hai về tăng trưởng GRDP tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận