Khởi động làn sóng cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thứ 3

30/09/2020, 15:55

TCDN - Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành.

Họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Cắt giảm 20% chi phí tuân thủ quy định

Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12/5/2020. 

Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đặt ra mục tiêu cụ thể: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020).

Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Về tổ chức thực hiện, Chương trình cải cách này cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành trong việc thẩm định các quy định trong dự án, dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật; sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính; vai trò chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra của Văn phòng Chính phủ và Văn phòng các Bộ trong triển khai thực hiện…

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, đến nay, các Bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 68 và lập Danh mục thống kê các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. VPCP đã xây dựng công cụ cải cách và tài liệu hướng dẫn các Bộ, ngành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, để thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách này, các Bộ, ngành cần phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP tại Bộ, ngành mình, vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

khoi-dong-lan-song-thu-3

3 làn sóng cải cách

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, từ năm 2007 tới nay, chúng ta đã chứng kiến ba làn sóng cải cách các quy định, thủ tục. Cụ thể giai đoạn 2007 - 2011; 2016 - 2020 và 2020 - 2025.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI có 3 đợt sóng cải cách ngay trong nhiệm kỳ Chính phủ này.

Năm 2016, đợt sóng cải cách đầu tiên, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, với yêu cầu điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong Luật và Nghị định, Chính phủ đã thành công trong việc khai tử hàng nghìn giấy phép con trong các thông tư, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Đợt sóng thứ hai là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành với tinh thần rất quyết liệt.

Hiện nay là đợt sóng thứ ba, với Nghị quyết số 68 đặt mục tiêu cắt giảm 20% các quy định về kinh doanh trong 5 năm tới. Nghị quyết này cũng gắn với một chương trình rất lớn là rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong các quy định về kinh doanh.

Theo khảo sát của VCCI, thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép về điều kiện kinh doanh giảm từ 58% xuống còn 48%, tức giảm 10% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm 10%. Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay thời gian mà còn là vấn đề niềm tin.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nghị quyết 68 có nhiều điểm mới, không chỉ đề cập đến điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính mà toàn bộ các quy định về kinh doanh. Tinh thần của Nghị quyết là giảm bớt tối đa các văn bản, hạn chế tối đa tình trạng một thông tư có thể ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra Nghị quyết còn rà soát không chỉ các văn bản đã có hiệu lực mà còn sửa đổi cả các văn bản đang trong quá trình soạn thảo. Bảo đảm khả năng thực thi, thúc đẩy thực hiện chính sách cải cách trong thực tế. Cộng hưởng với các cải cách trong thực hiện Chính phủ điện tử, thực hiện các thủ tục trực tuyến...

Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI hi vọng Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh, rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. 

Giai đoạn 2007 - 2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/ 5.421 thủ tục hành chính (cắt giảm 37,31% thủ tục hành chính tương ứng với khoảng gần 30.000 tỉ đồng mỗi năm.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỉ đồng, các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Khởi động làn sóng cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thứ 3 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm 2020 tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.