Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh

12/08/2020, 11:53

TCDN - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm 2020 tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Ngày 11/8, VPCP phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6. 

Với chủ  đề “Cắt giảm gánh nặng tạo quy định tốt hơn”, hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6 góp phần lan tỏa tinh thần cải cách mạnh mẽ về quy định hành chính, gỡ bỏ quy định không cần thiết, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, từ đầu năm 2020 tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, gần 1.000 dịch vụ công trực tuyến.

Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, gần 1.000 dịch vụ công trực tuyến.

Tới đây, Việt Nam tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sau 8 tháng 2 ngày đi vào hoạt động, từ 8 nhóm dịch vụ công, đến nay, đã tích hợp, gần 1.000 dịch vụ công trực tuyến với gần 56,4 triệu lượt truy cập; gần 220 nghìn tài khoản đăng ký; gần 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 260 nghìn hồ sơ trực tuyến (trung bình mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4 nghìn hồ sơ trực tuyến); tiếp nhận, xử lý gần 22 nghìn cuộc gọi tới Tổng đài và  hơn 7.500 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13 nghìn tỷ  đồng/năm, trong đó, Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp trên 6,7 nghìn tỷ đồng/năm.

"Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện đáng kể thứ bậc trong bảng xếp hạng các chỉ số của Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới trong 5 năm qua, cụ thể là: Tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN trong bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới; tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới; tăng 2 bậc và xếp thứ 86/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc…", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ TT&TT hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) là hai bộ đầu tiên hoàn thành việc đưa tất cả dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 tập trung trên Cổng của Bộ tại địa chỉ https://dichvucong.mic.gov.vn.