Khu đô thị Tây Bắc Tp.HCM phải ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ
TCDN - UBND Tp.HCM vừa ban hành Quyết định 351/QĐ-UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc Tp.HCM.
Theo đó, toàn bộ Khu đô thị Tây Bắc bao gồm xã Tân Thới Nhì (H.Hóc Môn); các xã Tân An Hội, Phước Hiệp, Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) được giới hạn bởi quốc lộ 22, Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, kênh An Hạ, kênh Thầy Cai, nằm trong khu vực điều chỉnh. Tổng diện tích Khu đô thị Tây Bắc được điều chỉnh hơn 6 ngàn ha.
Khu đô thị Tây Bắc sẽ là một trung tâm cấp thành phố với các chức năng: dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng vui chơi giải trí. Dân số quy hoạch đến năm 2025 là 300.000 người. Đây là con số không đổi so với quy hoạch hiện hữu (đang được nghiên cứu điều chỉnh).
Về chức năng phát triển công nghiệp vẫn được duy trì ở Khu đô thị Tây Bắc Tp.HCM, nhưng được điều chỉnh theo hướng là công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, dịch vụ công nghệ cao. Ngay cả Khu công nghiệp Tân Phú Trung hiện hữu cũng phải chuyển theo hướng đó. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án khu đô thị đại học quốc tế nhằm san sẻ áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho khu vực trung tâm hiện hữu của thành phố.
Đối với các khu ở mới, sẽ được quy hoạch hiện đại với đầy đủ chức năng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như đảm bảo cho khu đô thị phát triển bền vững. Ưu tiên bố trí các công trình cao tầng của các khu dân cư mới dọc trục giao thông chính, có động lực phát triển, như trục song hành quốc lộ 22, dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương - Củ Chi)… không gian kiến trúc thấp dần về phía sau. Tập trung bố trí cụm công trình có chức năng dịch vụ, thương mại (cao tầng) tại các khu vực trung tâm khu đô thị, nhà ga của tuyến metro số 2.
Khu vực tiếp giáp kênh Đông và các kênh 5, 6, 7, 8 sẽ phát huy ưu thế địa hình sông nước, tạo không gian mở, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực. Phát triển mô hình nhà vườn với mật độ xây dựng thấp. Các công trình cao tầng được bố trí lùi dần ra phía sau, theo nguyên tắc cao dần về phía bên trong so với khu vực gần kênh, rạch.
Ngoài ra, dọc các tuyến kênh này sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng các tuyến đường giao thông ven sông, kênh, rạch… có kết nối với mạng giao thông toàn khu vực, phù hợp với cảnh quan bờ sông, kênh.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan chỉ đạo, cần tư vấn nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc, nghiên cứu những ý kiến đóng góp hợp lý của UBND huyện Củ Chi, của người dân Củ Chi trong chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Tại các khu vực mà dân cư phải di dời để xây dựng mới các khu chức năng đô thị theo quy hoạch, cần ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ.
Bên cạnh chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phù hợp, khuyến khích người dân đồng thuận hợp tác, đầu tư vào những dự án chỉnh trang đô thị, để vừa khai thác hiệu quả sử dụng đất, dần thay đổi bộ mặt đô thị vừa cải thiện, nâng cao điều kiện, môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu theo hướng tránh xáo trộn lớn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Theo ông Vũ Trung Hưng (Phó trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, thành viên tham gia điều chỉnh quy hoạch), quy hoạch mới tập trung giải quyết những kiến nghị của người dân nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị. Hồi năm 2010 thành phố có định hướng xây dựng khu đô thị nhưng do nguồn lực đầu tư hạ tầng còn hạn chế nên chưa triển khai. Điều này ảnh hưởng đến khoảng 57.000 người dân ở 1.640 ha dọc quốc lộ 22. Họ gặp khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, chuyển nhượng đất đai...
"Đồ án quy hoạch phân khu lần này được phê duyệt là cơ sở triển khai các dự án đầu tư và người dân sẽ được sửa chữa, xây dựng nhà cửa khi có nhu cầu chứ không bị treo như lâu nay", ông Hưng nói và cho biết quy hoạch mới sẽ hạn chế sự xáo động, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân cư hiện hữu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899