Khủng hoảng kinh tế rình rập các nước Nam Á

08/08/2022, 08:30
báo nói -

TCDN - Với những khoản nợ USD với mức lãi suất thấp, chủ trương tài trợ tiêu dùng và những dự án phù phiếm, các nước Nam Á đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Pakistan cố gắng kiếm một gói cứu trợ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ khi đồng nội tệ giảm mạnh. Bangladesh muốn một khoản vay sớm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Vỡ nợ đã khiến chính phủ Sri Lanka sụp đổ. Đồng rupee của Ấn Độ lao xuống mức thấp nhất mọi thời đại khi thâm hụt thương mại tăng vọt.

Mùa hè bất ổn ở Nam Á

Bất ổn kinh tế và chính trị đang hoành hành ở Nam Á vào mùa hè này, khiến nhiều người thấy sự tương đồng với cuộc hỗn loạn đã nhấn chìm các nước láng giềng ở phía đông cách đây 25 năm trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Khi ấy, một sự kiện có vẻ biệt lập biệt lập là Thái Lan phá giá đồng baht vào tháng 7/1997 nhằm đối phó với nạn đầu cơ tiền tệ đã lây lan như một loại virus sang Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc.

Chủ nợ hoảng loạn, yêu cầu thanh toán sớm, các nhà đầu tư rút khỏi cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường mới nổi, bao gồm cả ở Mỹ Latinh và Nga, quốc gia đã vỡ nợ vào tháng 8/1998.

Sri Lanka 2

Một tháng sau, quỹ đầu cơ Long-Term Capital Management (LTCM) tại Mỹ, vốn có đòn bẩy cao vào chứng khoán Nga và châu Á, đã sụp đổ.

Liệu cuộc khủng hoảng tương tự có thể xảy ra một lần nữa? Ông Ammar Habib Khan, Giám đốc quản lý rủi ro của tổ chức Karandaaz Pakistan, tin vào khả năng này.

“Các quốc gia Nam Á đã mang về những khoản nợ USD với mức lãi suất thấp, chủ trương tài trợ tiêu dùng và những dự án phù phiếm trong 10 năm qua. Nam Á hiện nay giống như Đông Nam Á vào năm 1997”, Ammar bình luận.

Những vết nứt bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các quân cờ domino này đổ rạp Nam Á, nơi lạm phát đang bùng lên. Tiền rẻ cạn kiệt, nội tệ mất giá và dự trữ ngoại hối tiêu tan.

Khủng hoảng kinh tế tạm thời trong tầm kiểm soát

Một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ làm suy yếu sự năng động tại khu vực có 1/4 dân số thế giới. Kế hoạch mở rộng của các công ty đặt cược lớn vào Nam Á, chẳng hạn như Amazon và Walmart, cũng đang đối mặt tương lai khó lường.

Song đến nay, sự lây lan dường như vẫn chưa vượt tầm kiểm soát. Một lý do là vào năm 1997, cái gọi là “phép màu kinh tế châu Á” đã che đậy những lỗ hổng hiếm thấy ngày nay: nợ công và tư nhân quá lớn, ngân hàng yếu kém, đầu tư nước ngoài mang tính đầu cơ cao.

Các nước Nam Á hiện tại ít nợ nước ngoài hơn những nước láng giềng vào những năm 1990. Nam Á đang vay bằng nội tệ nhiều hơn bằng USD để hỗ trợ tăng trưởng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dường như cũng tỏ ra nhẫn nại hơn khi đàm phán với những nền kinh tế gặp khó khăn. Họ từng áp đặt những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt đối với các chính phủ đang điêu đứng trong cuộc khủng hoảng năm 1997.

Lần này, các chuyên gia cho rằng tình hình sẽ khác. Ông Raghuram Rajan, giáo sư tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, đồng thời là cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) cho biết: “Tôi nghĩ thắt lưng buộc bụng không phải là giải pháp chung cho mọi vấn đề”.

Tùng Lâm/theo Bloomberg
Bạn đang đọc bài viết Khủng hoảng kinh tế rình rập các nước Nam Á tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan