Kiếm bội tiền từ livestream thu phí, streamer ViruSs có phải nộp thuế?
TCDN - Vụ việc streamer ViruSs thu tiền từ người xem thông qua tính năng thành viên trả phí trên livestream đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Việc nam streamer bật tính năng này không chỉ gây tranh cãi mà còn đặt ra câu hỏi về nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ hoạt động này.
Vụ ồn ào tình ái của streamer ViruSs và loạt bạn gái như Tiktoker Ngọc Kem, rapper Pháo gây xôn xao những ngày qua. Đáng chú ý khi mỗi lần lên tiếng, nam streamer lại mở một phiên livestream để đối chất. Mỗi buổi livestream thu hút lượng người xem lớn.

Vụ ồn ào tình ái của streamer ViruSs và loạt bạn gái như Tiktoker Ngọc Kem, rapper Pháo gây xôn xao những ngày qua.
Khoảng hơn 10 ngày trôi qua, streamer ViruSs đã có 3 lần livestream vào rạng sáng 21/3, trưa 21/3 và mới nhất là tối 28/3 vừa qua. Trong cả 3 lần này, nam streamer đều bật tính năng hạn chế bình luận, chỉ người đóng tiền mới được đối chất.
Theo tìm hiểu, mức phí đăng ký LIVE mà nền tảng streamer ViruSs livestream đưa ra là 155.000 VNĐ/ tháng. Hiện tại người đăng ký mới đang có ưu đãi nên còn 130.000 - 135.000 VNĐ/ tháng. Gói đăng ký này sẽ được gia hạn hàng tháng.
Sau livestream tối 28/3, nam streamer đã có thêm 629 người đăng ký mới, nâng lên tổng cộng 4283 người đăng ký. Như vậy nếu tính riêng tối 28/3, số tiền mà cư dân mạng bỏ ra để đối chất với ViruSs là trên 82 triệu đồng.
Nếu lấy trung bình mức phí là 130.000 VNĐ/tháng và tất cả netizen đăng ký để đối chất sau ồn ào tình ái của streamer ViruSs thì con số không hề nhỏ là hơn 556 triệu đồng.
Song nền tảng không công bố mình thu phí bao nhiêu và nhà sáng tạo nội dung sẽ nhận được bao nhiêu % trong số tiền đăng ký này. Vì vậy chưa rõ streamer ViruSs sẽ nhận được bao nhiêu trong số hơn 556 triệu đồng này.
Ngoài ra, anh còn nhận được nhiều quà tặng ảo từ người hâm mộ, trong đó có các vật phẩm giá trị cao như "TikTok Universe", "sư tử" và "cá heo", có giá trị lớn lên đến hàng chục triệu đồng/vật phẩm.

Sau livestream tối 28/3, ViruSs đã có thêm 629 người đăng ký mới, nâng lên tổng cộng 4283 người đăng ký. Như vậy nếu tính riêng tối 28/3, số tiền mà cư dân mạng bỏ ra để đối chất với ViruSs là trên 82 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, streamer ViruSs tên thật là Đặng Tiến Hoàng, sinh năm 1988. Khi du học về nước, ViruSs bắt đầu theo đuổi công việc streamer và được coi là một trong "tứ hoàng streamer" của Việt Nam.
Thu nhập của ViruSs với công việc streamer đến từ những nguồn như lượt xem và đăng ký kênh, tiếp thị liên kết, nhà tài trợ và quảng cáo... Một trong những khoản tiền chính tạo ra thu nhập cho các streamer này là khoản tiền ủng hộ từ fan của họ (tiền donate).
Trao đổi với PV, Luật sư - Ths. Đặng Thị Thuý Huyền (Công ty Luật TNHH HPL và Cộng sự, Tp.HCM) cho biết, dưới góc độ pháp lý, hoạt động “streamer” hiện chưa được pháp luật Việt Nam định danh cụ thể và cũng chưa được công nhận là một nghề chính thức.
Tuy nhiên, theo Phụ lục I của Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định 34/2020/QĐ-TTg ngày 26/11/2020, có nhóm nghề “Nhà phát triển web và truyền thông đa phương tiện”, bao gồm các công việc liên quan đến thiết kế, lập trình và phát triển nội dung trên nền tảng số.
Trong danh mục này có đề cập đến các nghề như Nhà phát triển Internet, Lập trình viên đa phương tiện, Nhà phát triển trang web, Youtuber, Vlogger ... Qua đó, có thể hiểu rằng các hoạt động sáng tạo nội dung trên nền tảng số, bao gồm cả livestream, có thể được xem là thuộc nhóm ngành nghề này.
Về nghĩa vụ thuế, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả thu nhập từ livestream có thu phí thông qua các nền tảng số như Facebook, Instagram, YouTube…, nếu có tổng doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, thì phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Mức thuế suất áp dụng đối với cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ này là 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN trên tổng doanh thu chịu thuế.
Như vậy, mặc dù thuật ngữ “streamer” chưa được định nghĩa cụ thể trong hệ thống pháp luật, nhưng xét về bản chất hoạt động và nguồn thu nhập, streamer có thể được xếp vào nhóm nghề nghiệp thuộc lĩnh vực phát triển nội dung số. Do đó, thu nhập từ hoạt động livestream có thu phí phải được kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định hiện hành.

Luật sư - Ths. Đặng Thị Thuý Huyền (Công ty Luật TNHH HPL và Cộng sự, Tp.HCM).
Theo Luật Sư Huyền, quà tặng livestream hay còn được hiểu là tiền donate là khoản tiền mà cá nhân hoặc tổ chức tự nguyện đóng góp nhằm hỗ trợ một hoạt động cụ thể, thường thông qua các nền tảng trực tuyến như TikTok, YouTube, Facebook hoặc các ứng dụng livestream khác. Khoản tiền này có thể được sử dụng để hỗ trợ hoạt động sáng tạo nội dung, tài trợ dự án cá nhân hoặc thậm chí là phục vụ các mục đích từ thiện. Người xem có thể thực hiện donate một lần hoặc định kỳ, tùy theo chính sách của nền tảng và mong muốn cá nhân.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về nghề streamer cũng như điều khoản điều chỉnh trực tiếp đối với số tiền donate mà streamer nhận được. Tuy nhiên, theo Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm: Thu nhập từ tiền lương, tiền công, trong đó có: Tiền thù lao nhận được dưới nhiều hình thức, bao gồm tiền hoa hồng môi giới, tiền nhuận bút, tiền tham gia giảng dạy, biểu diễn nghệ thuật, thể thao, quảng cáo, dịch vụ khác,...
Dựa trên các quy định này, có hai quan điểm pháp lý về việc xử lý thuế đối với tiền donate của streamer:
Donate là thu nhập chịu thuế: Một số ý kiến cho rằng, khi người xem đóng phí để tiếp tục theo dõi livestream, tương tác hoặc xem streamer thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao,… thì khoản thu nhập này mang bản chất là thù lao hoặc tiền công mà streamer nhận được từ dịch vụ giải trí trên nền tảng số. Do đó, khoản tiền này có thể thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Donate là khoản tặng cho không chịu thuế TNCN: Một quan điểm khác cho rằng tiền donate là khoản ủng hộ tự nguyện của người xem, không có tính chất hợp đồng dịch vụ hay nghĩa vụ phải thực hiện một công việc cụ thể. Do đó, nó không phải là thu nhập từ tiền lương, tiền công mà là một khoản tài trợ cá nhân, tương tự như quà tặng. Nếu theo hướng này, khoản donate sẽ không bị tính vào thu nhập chịu thuế của streamer.
Trên thực tế, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế về việc xác định liệu tiền donate có thuộc diện thu nhập chịu thuế TNCN hay không. Tuy nhiên, các cơ quan thuế hiện nay có xu hướng xem đây là một dạng thu nhập phát sinh từ hoạt động sáng tạo nội dung trên nền tảng số. Do đó, đối với những cá nhân có tổng doanh thu từ các hoạt động này đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên, việc kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cùng thuế giá trị gia tăng là cần thiết theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Áp dụng đối với trường hợp của ViruSs, thu nhập phát sinh từ phí thành viên và quà tặng (donate) trên livestream có thể được xem là thu nhập từ kinh doanh dịch vụ. Theo quy định hiện hành, ViruSs cần kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất là 5% cho GTGT và 2% cho TNCN đối với thu nhập từ hoạt động cung cấp dịch vụ trên nền tảng số.
Trong trường hợp không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, ViruSs có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP, với mức phạt tiền được xác định dựa trên mức độ vi phạm và số thuế chưa nộp.
Như vậy, mặc dù hiện chưa có quy định riêng biệt về tiền donate, nhưng với xu hướng quản lý ngày càng chặt chẽ thu nhập trên nền tảng số, các streamer có thu nhập đáng kể từ donate cần cân nhắc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai và nộp thuế để đảm bảo tuân thủ pháp luật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899