Kiểm toán nội bộ tại Việt Nam còn "kiêm nhiệm" quá nhiều vai trò
TCDN - Tổng giám đốc của một doanh nghiệp cũng là thành viên của Hội đồng Quản trị (HĐQT), Hội đồng thành viên (HĐTV) và cũng là người chỉ đạo, giám sát hoạt động của kiểm toán nội bộ (KTNB) nên sẽ không đảm bảo tính độc lập của kiểm toán nội bộ.
Phân viện Kiểm toán viên nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Việt Nam) vừa tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả khảo sát thực trạng triển khai kiểm toán nội bộ.
Theo đó, cuộc khảo sát được thực hiện từ 15/9 đến 31/10 với sự bảo trợ của Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính); Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM; Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và sự đồng hành chuyên môn của Công ty CGS, A&C, Grant Thornton Việt Nam.
Cuộc khảo sát được triển khai dưới hình thức điền mẫu khảo sát online và phỏng vấn trực tiếp người phụ trách KTNB của các công ty niêm yết, doanh nghiệp nhà nước.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch IIA Việt Nam cho biết, qua khảo sát tại các doanh nghiệp thì bộ phận KTNB đã nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ HĐQT trong việc lập và triển khai kế hoạch kiểm toán dựa trên mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tính độc lập và vị thế của bộ phận KTNB trong các nhóm doanh nghiệp được khảo sát và phỏng vấn chưa được đảm bảo hoàn toàn. Có tới 22% các doanh nghiệp được khảo sát trên sàn giao dịch chứng khoán HSX trả lời rằng bộ phận KTNB vẫn giữ kiêm nhiệm hoặc tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
“Một số doanh nghiệp có bộ phận KTNB không được giám sát, chỉ đạo trực tiếp bởi một thành viên độc lập không thuộc điều hành của HĐQT hay HĐTV. Cá biệt, một doanh nghiệp có Tổng giám đốc là thành viên HĐQT, HĐTV và cũng là người chỉ đạo, giám sát hoạt động của KTNB. Điều này không đảm bảo sự độc lập của KTNB”, ông Thành nói.
Cũng theo báo cáo, nhiều doanh nghiệp cũng chưa có chính sách chống xung đột lợi ích của KTNB. Cụ thể, 50% doanh nghiệp nhà nước chưa có chính sách này, còn ở sàn HSX, HNX lần lượt là 20% và 37%.
Bộ phận KTNB cũng gặp nhiều khó khăn khi truy cập hồ sơ của đối tượng kiểm toán. Cụ thể, có khoảng 25% doanh nghiệp nhà nước không đồng ý việc truy cập hồ sơ, còn trên sàn HSX là 3% và HNX là 13%.
Bên cạnh đó, có đến 42% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng HĐQT chưa hoặc không đặt trọng tâm Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trong phạm vi đánh giá của KTNB và chưa có định hướng tích hợp ESG vào chiến lược KTNB trong tương lai.
Ông Nguyễn Ngọc Thành đánh giá, hiện nay, các chỉ số và báo cáo ESG nhanh chóng trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp.
Sự gia tăng giám sát của các nhà đầu tư, sự kỳ vọng của người tiêu dùng và khách hàng cũng ngày càng lớn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty đang phải đối mặt với áp lực mới để đo lường, công bố và cải thiện các vấn đề liên quan đến ESG. Đây là một vấn đề mới nổi mà bộ phận KTNB cần phải từng bước nâng cao nhận thức về ESG đối với HĐQT, thông qua việc đề xuất tích hợp ESG vào chiến lược KTNB trong tương lai.
Báo cáo cũng cho thấy, có 9% các doanh nghiệp được khảo sát chưa triển khai chức năng KTNB vì một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Cụ thể là những hạn chế về ngân sách; hạn chế về định biên nhân sự; lúng túng trong cách thức triển khai và vận hành; thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn.
Ngoài những lý do trên, khi phỏng vấn nhiều doanh nghiệp niêm yết, IIA Việt Nam nhận thấy một số đơn vị vẫn còn có quan điểm rằng doanh nghiệp đã có Ban Kiểm soát hoặc bộ phận Kiểm soát nội bộ thì không cần thiết lập chức năng KTNB.
IIA Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp này vẫn chưa có nhận thức phù hợp về các thông lệ tốt về quản trị công ty, quản lý rủi ro và hệ thống kiểm soát cũng như chưa tuân thủ quy định về khung pháp lý về KTNB tại Việt Nam.
Theo bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán thì hiện nay, khuôn khổ pháp lý về hoạt động kế toán, kiếm toán tại Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh. KTNB Việt Nam cũng thuân thủ theo các thông lệ quốc tế, phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp đã triển khai mô hình KTNB rất chuyên nghiệp, mang đến hiệu quả cao trong hoạt động quản trị và hướng đến phát triển bền vững. Những doanh nghiệp này đều có sự tăng trưởng tích cực, bất chấp “sóng gió” của thị trường. Điều này cho thấy, khâu quản trị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp.
“Thời gian qua, một số vụ việc lùm xùm tại các doanh nghiệp lớn đã ảnh hưởng lớn đến thị trường và nhiều doanh nghiệp khác. Việc các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về kiểm toán, quản trị sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán cũng như các công ty vệ tinh...”, bà Nhung nói.
Cũng theo bà Nhung, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tuyên truyền về KTNB, đặc biệt là cho lãnh đạo các doanh nghiệp hiểu sâu, hiểu rõ về vấn đề này và ủng hộ KTNB. Bộ cũng sẽ xây dựng và khuyến khích các chương trình đào tạo mang tính toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bên liên quan để xây dựng Khung kiểm soát nội bộ và Khung quản lý rủi ro để khuyến nghị cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Viện Kiểm toán viên nội bộ Quốc tế (IIA) là tổ chức nghề nghiệp quốc tế với trên 215.000 thành viên trên toàn thế giới và đã cấp 180.000 chứng chỉ Kiểm toán viên nội bộ công chứng (CIA).
IIA được thành lập vào năm 1941 và được công nhận là tổ chức dẫn đầu trong nghề kiểm toán nội bộ trên toàn cầu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899