Kinh tế 2021: Động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và đầu tư công

29/07/2021, 13:36

TCDN - Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2021 cho rằng, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Bên cạnh đó còn có sự mở rộng tiền tệ, hạ lãi suất.

Tại Tọa đàm công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2021, PGS. TS Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới và xuất khẩu của những mặt hàng truyền thống vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong khi đó, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do hạn hẹp về nguồn lực tài khóa.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công

Động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công

Bên cạnh đó, sự mở rộng tiền tệ hay hạ lãi suất chủ yếu có vai trò giúp hạ gánh nặng nợ lãi của các khoản vay hiện tại, hơn là thúc đẩy các khoản vay mới để mở rộng sản xuất. Một khi khả năng kiểm soát đại dịch chưa chắc chắn, niềm tin chưa quay trở lại thì đầu tư của các doanh nghiệp sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi lãi suất có thực sự giảm. Nhiều ngành dịch vụ được dự kiến chưa thể hồi phục trong năm 2021.

Báo cáo cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào: tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

“Nhìn chung, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống 1- 1,5 điểm phần trăm so với trước đây trong khi cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được duy trì ổn định”, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay.

Báo cáo đưa ra 3 dự báo cho nền kinh tế Việt Nam. Trong kịch bản cơ sở (nhiều khả năng xảy ra nhất), dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối Q3/2021, việc tiêm chủng được triên khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 – 5,1%.

Trong kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được giả định được kiểm soát nhanh hơn, ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vắc-xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối Quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 – 6,1%.

Trong kịch bản xấu nhất, dịch bệnh được giả định chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới Q4/2021, quá trình tiêm chủng vắc-xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung cũng như năng lực của hệ thống y tế; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

Cùng với đó, giá cả tiêu dùng được dự kiến sẽ tiếp tục có mức tăng vừa phải bởi các yếu tố gây tăng giảm đan xen. Có nhiều yếu tố khiến giá cả tiêu dùng có thể tăng nhanh hơn trong năm 2021.

Thứ nhất, sự hồi phục ít nhiều của nền kinh tế thế giới sẽ khiến nhu cầu và giá các loại nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tăng và duy trì ở mức cao hơn so với mức trung bình của năm 2020.

Thứ hai, sự lên giá của bất động sản và chứng khoán trong thời gian qua có thể sẽ lan tỏa sang giá cả tiêu dùng khi nó làm tăng tài sản, và do vậy là tiêu dùng của nhiều người trong xã hội, đặc biệt là sau thời kỳ bệnh dịch.

Ngoài ra, sau khi trì hoãn trong năm nay, lộ trình tăng giá đối một số mặt hàng thuộc diện quản lý của nhà được dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới, góp phần làm gia tăng lạm phát. Nếu không có bất thường về thiên tai trong nông nghiệp, giá cả tiêu dùng được dự kiến sẽ tăng ở mức vừa phải, từ 3-4% trong năm 2021.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế 2021: Động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và đầu tư công tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

VERP dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể chỉ đạt 4,5 - 5,1%
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối Q3/2021, việc tiêm chủng được triên khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định thì tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm được dự báo ở mức 4,5 - 5,1%.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,2%
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 8, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất, kinh tế ở mức bình thường thì tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt 6,2%.
Năm 2025 GDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đặt ra chỉ tiêu về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.
GDP mục tiêu cả năm 2021 đạt trên 6%
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.