Lãi kỷ lục, Đạm Phú Mỹ chi hơn 2.700 tỷ đồng trả cổ tức

29/12/2022, 10:45

TCDN - Trong năm 2022, doanh thu Đạm Phú Mỹ đạt mức kỷ lục 20.000 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp này quyết định nâng mức trả cổ tức bằng tiền từ 50% lên 70%, ước tính hơn 2.700 tỷ đồng. Đây là mức chia cổ tức cao nhất từ trước tới nay của công ty.

Ngày 27/12, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Công ty Cổ phần (tên quốc tế viết tắt là PVFCCo, tên thường gọi Đạm Phú Mỹ, Mã HoSE: DPM) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2022.

Toàn cảnh nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Toàn cảnh nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Trong buổi họp ĐHĐCĐ bất thường này, lãnh đạo DPM công bố, trong năm 2022, doanh thu công ty đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và tăng 68% so với năm ngoái. Sau 18 năm thành lập, lần đầu tiên DPM đạt kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận. 

ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền từ 50% lên mức 70%, tương ứng 7.000 đồng/cổ phần. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên, Đạm Phú Mỹ đã đề xuất nâng mức cổ tức năm 2021 từ 10% lên 50% và được thông qua. Hiện số cổ phiếu DPM đang lưu hành hơn 391,3 triệu cổ phiếu, tương ứng số tiền cần chi ra khoảng 2.739 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.  

Ông Hoàng Trọng Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đạm Phú Mỹ cho hay, công ty hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh - tài chính trong năm 2022. Nhà máy Đạm Phú Mỹ liên tục vận hành với công suất tối đa với sản lượng sản xuất đạt khoảng 1,15 triệu tấn phân bón và hóa chất các loại. Trong đó, sản xuất đạm ure ước đạt 912.000 tấn, vượt xa công suất thiết kế ban đầu là 740.000 tấn. 

Theo ông Hoàng Trọng Dũng, do hậu quả của Covid-19 và xung đột Nga - Ucraina mà chuỗi sản xuất, cung ứng phân bón toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng. Điều này khiến cho nhu cầu phân bón, đặc biệt là urê tại các nước tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, doanh nghiệp xuất khẩu với giá tốt được gần 200.000 tấn ure, gấp 4 lần so với kế hoạch cả năm.

Tình hình xuất khẩu mạnh góp phần giảm áp lực cho thị trường trong nước vốn có sức mua rất yếu, đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể và gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp.  Bên cạnh đó, bộ sản phẩm chủ lục phân bón Phú Mỹ, bao gồm Đạm Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ với hàng chục công thức khác nhau cùng các sản phẩm hóa chất như NH3, CO2... cũng đóp góp vào tăng trưởng của công ty. 

Lãnh đạo Đạm Phú Mỹ nhận định, trong thời gian tới nếu tình hình thế giới ổn định trở lại thì nguồn cung sẽ tăng, giá cả giảm, cũng sẽ gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất phân bón. Theo kế hoạch, DMP vẫn lấy thị trường trong nước là mục tiêu, bởi đây là nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Sau đó mới tính đến xuất khẩu, trong đó thị trường chiếm sản lượng nhiều nhất là Ấn Độ và một số nước khác.  

Trong tương lai, Đạm Phú Mỹ nhắm đến việc phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp và hóa chất toàn cầu, tạo nên chuỗi giá trị phát triển bền vững.  

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Lãi kỷ lục, Đạm Phú Mỹ chi hơn 2.700 tỷ đồng trả cổ tức tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan