Tốc độ tăng trưởng lãi của Đạm Phú Mỹ có thể âm trong quý 4/2022

22/08/2022, 08:19

TCDN - Theo Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ đã có xu hướng chững lại.

Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) đã công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần đạt 5.013 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.291 tỷ đồng; tăng lần lượt 71% và 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt 38,4%, cải thiện so với con số 32% của quý II năm ngoái. 

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.279 tỷ đồng quý II, tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái song còn thua xa con số kỷ lục của quý I năm nay là 2.144 tỷ đồng.

Mặc dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng của Đạm Phú Mỹ đã giảm tốc so với mức tăng trưởng đột biến 1.496% so với cùng kỳ trong quý IV/2021 và 1,088% so với cùng kỳ trong quý I.

Theo Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong quý III và thậm chí có thể âm trong quý IV.

Tính chung cả năm 2022, lợi nhuận ròng của Đạm Phú Mỹ đạt khoảng 5,1 nghìn tỷ, tăng 61% so với cùng kỳ. 

Dam Phu My

Đối với năm 2023, SSI Research giả định giá urê đầu vào sẽ giảm so với mức cơ sở cao trong năm nay, và do cả Nga và Trung Quốc đều sẽ tăng sản lượng xuất khẩu, nên giá bán bình quân của urê sẽ giảm.

“Chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận ròng của Đạm Phú Mỹ trong năm 2023 từ 4,1 nghìn tỷ đồng xuống 4 nghìn tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ). Yếu tố hỗ trợ tăng giá chính đối với khuyến nghị của chúng tôi sẽ là việc giá dầu giảm nhiều hơn dự kiến. Ngược lại, rủi ro giảm giá chính đối với khuyến nghị của chúng tôi là sự can thiệp của Chính phủ vào thị trường phân bón để hạ nhiệt giá”, SSI Research nhận định. 

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu urê vào quý 3 năm 2021, một yếu tố đã đẩy giá urê tăng khá cao. Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với urê dự kiến sẽ được gỡ bỏ vào cuối tháng 6, Trung Quốc vẫn sẽ hạn chế xuất khẩu urê cho đến cuối năm 2022 để đảm bảo đủ lượng hàng tồn kho cho nhu cầu sử dụng trong nước, trong bối cảnh các đợt giãn cách xã hội tiếp tục diễn ra. 

Đồng thời, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với urê trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12, nhưng mức hạn ngạch đã tăng 2,4 triệu tấn lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022. 

Do đó, sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, một yếu tố hỗ trợ giảm giá urê.

Giá than và giá dầu đã điều chỉnh đáng kể so với mức đỉnh, trong khi giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vẫn ở mức cao do gián đoạn nguồn cung từ Nga, cũng như lo ngại về khả năng sự gián đoạn này sẽ kéo dài. 

Việc định tuyến lại nguồn cung khí tự nhiên đến châu Âu khó hơn nhiều so với mặt hàng than và dầu. Giá khí đốt tự nhiên cao ở châu Âu chủ yếu ảnh hưởng đến giá urê ở Biển Đen và Ai Cập. 

Trong khi đó, giá than điều chỉnh mạnh đã tác động lên giá urê tại Trung Quốc. Giá urê trên thị trường Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với giá urê tại thị trường Trung Quốc hoặc Indonesia, hơn là giá urê tại Biển Đen hoặc Ai Cập.

Do đó, SSI Research cho rằng giá urê của Đạm Phú Mỹ có thể tiếp tục giảm, đi cùng với sự điều chỉnh của giá than và giá dầu.

Trong báo cáo thị trường phân bón quý III, CTCK BIDV (BSC), sau khi tạo đỉnh vào tháng 4, giá phân bón đã hạ nhiệt trong ba tháng tiếp theo. Tại ngày 30/06, giá ure giao dịch quanh ngưỡng 515 USD/tấn, giảm 44% từ mức đỉnh tháng 4 và giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng đà giảm, giá ure nội địa cũng giảm 20% từ mức đỉnh và giảm 15% so với đầu năm, xuống còn 14.650 đồng/kg. Dù vậy, mức giá này vẫn cao hơn 23% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng, giá ure ở mức 16.980 đồng/kg, cao hơn 45% so với trung bình năm 2021.

Giá phân bón trong nước đi xuống do giá gạo ở mức thấp, giá phân bón mùa cao điểm bón phân vụ Hè thu leo thang khiến nông dân giảm lượng sử dụng phân bón.

Ngoài ra, SSI Research cho rằng nhu cầu urê có thể tiếp tục suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và do quý III thường là quý tiêu thụ thấp điểm. Mùa cao điểm quý IV sẽ hỗ trợ phục hồi nhu cầu tiêu thụ urê.

Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp, nhu cầu đối với phân urê có thể sẽ không phục hồi nhiều trong quý IV.

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Tốc độ tăng trưởng lãi của Đạm Phú Mỹ có thể âm trong quý 4/2022 tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan