Làm gì để chống gian lận thuế ngày càng tinh vi?

30/01/2024, 11:13
báo nói -

TCDN - Gian lận thuế là một thực trạng rất đáng lo ngại, gây ra tác động tiêu cực cả về về kinh tế và xã hội như làm thất thu, thiệt hại cho ngân sách nhà nước, kéo theo tệ nạn buôn lậu, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư,...

Gian lận thuế diễn ra phức tạp và tinh vi

Gian lận thuế là hành vi cố ý làm sai lệch thông tin liên quan đến việc tính thuế để không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được ưu đãi, miễn giảm. Trong những năm qua, dù các cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát quá trình kê khai, nộp thuế của các đối tượng nộp thuế nhưng tình trạng gian lận thuế trên thực tế vẫn diễn ra phức tạp và tinh vi. 

Các hành vi gian lận thuế chủ yếu có thể kể đến như sau:

Gian lận thuế bằng cách bỏ ngoài sổ sách kế toán: Đây là hành vi gian lận thường gặp nhất, hành vi này thường xảy ra ở các doanh nghiệp (DN) dân doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, ăn uống, khách sạn, xây dựng dân dụngv à sản xuất nhỏ. Theo đó, đơn vị nộp thuế thường sử dụng đồng thời hai hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế, hệ thống kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế để khai thuế.

Gian lận thuế bằng cách tạo giao dịch bán hàng giả mạo: Mục đích của thủ đoạn này là chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua hoàn thuế hoặc tiếp tay cho hành vi tham nhũng NSNN của một bộ phận công chức được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước. Thủ đoạn này nhằm giúp cho bên mua tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được khấu trừ và giảm chi phí tính thuế thu nhập DN. Điển hình cho thủ đoạn này là hành vi xuất khẩu khống nhằm chiếm đoạt tiền qua hoàn thuế GTGT từ NSNN. Xuất khẩu khống chủ yếu diễn ra đối với phương thức xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.

Ngoài xuất khẩu khống, giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ giả mạo còn được thực hiện chủ yếu thông qua các hợp đồng bán hàng khống; các hợp đồng cung cấp dịch vụ khống và xuất hóa đơn khống. Hành vi này được thực hiện ở cả DN “ma” và cả ở các DN đang hoạt động kinh doanh bình thường.

Gian lận thuế VAT ngày càng phức tạp với các thủ đoạn tinh vi gây thất thu ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa)

Gian lận thuế VAT ngày càng phức tạp với các thủ đoạn tinh vi gây thất thu ngân sách nhà nước. (Ảnh minh họa)

Gian lận thuế bằng cách tạo giao dịch mua hàng giả mạo: Thực tế DN không có khoản chi này nhưng đã tự tạo ra chứng từ để hợp pháp hóa khoản chi không có thực, vì thế có thể gọi đây là chi khống. Chi khống thể hiện qua những bảng kê thanh toán giả mạo với chữ ký giả, hợp đồng lao động giả mạo (có trường hợp tên người lao động không có thật; có trường hợp tên người lao động là có thật nhưng thực sự không làm việc cho DN đó) và thể hiện ở những hóa đơn đi mua của cơ sở kinh doanh khác. Bằng hành vi này, DN không chỉ trốn thuế thu nhập DN mà còn trốn cả thuế GTGT thông qua việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào. 

Gian lận thuế bằng cách ghi giá bán thấp hơn giá thực tế: Đây là hành vi ghi giá bán trên hóa đơn và kê khai doanh thu tính thuế thấp hơn giá khách hàng thực tế thanh toán. Hành vi này thường gặp ở các cửa hàng ô tô xe máy, hàng trang trí nội thất, nhà hàng khách sạn, vận tải, xăng dầu, vật liệu xây dựng, … Hành vi gian lận này làm giảm thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến số thu ngân sách hàng năm.

Gian lận thuế do hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định: Hành vi hạch toán kế toán sai quy định pháp luật nhằm che giấu doanh thu tính thuế, hạch toán tăng chi phí tính thuế thu nhập DN và tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Các kiểu hạch toán saichế độ kế toán rất đa dạng. Khi bị kiểm tra phát hiện, cán bộ kế toán có thể lấy cớ là hạch toán nhầm để tránh bị phạt vì hành vi trốn thuế. Kế toán có thể hạch toán giảm trừ doanh thu thông qua các hình thức giảm giá, chiết khấu không đúng quy định. Kế toán có thể hạch toán sai tài khoản kế toán để che giấu doanh thu.

Chẳng hạn, khi phát sinh doanh thu bán hàng, lẽ ra phải hạch toán vào tài khoản 511 thì kế toán lại hạch toán vào các tài khoản kế toán khác, như hạch toán vào tài khoản 338, 138… Một số DN nhượng bán, trao đổi vật tư không ghi nhận doanh thu mà chỉ hạch toán thay đổi cơ cấu tài sản lưu động bằng các bút toán nhập, xuất, thu, chi hoặc công nợ phải thu, phải trả; bán phế liệu không xuất hóa đơn, không ghi nhận doanhthu hoặc hạch toán giảm chi phí sản xuất.

Các dạng hạch toán sai nhằm tăng chi phí được trừ tính thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ chủ yếu là: hạch toán toàn bộ chi phí mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản vào chi phí quản lý DN; đưa khấu hao tài sản cố định phúc lợi vào chi phí khấu hao tài sản cố định; tài sản cố định hết thời gian khấu hao vẫn trích khấu hao; hạch toán vào chi phí được trừ các khoản chi từ thiện, cáckhoản chi thuộc nguồn kinh phí khác đài thọ, chi mang tính chất tiêu dùng cá nhân của chủ DN…

Giải pháp chống gian lận, trốn thuế; tăng thu ngân sách nhà nước

Để thực hiện hiệu quả việc phòng, chống các hành vi gian lận, trốn thuế cần tiếp tục cải cách, đổi mới chính sách thuế theo hướng đơn giản hóa các quy định, rõ ràng minh bạch, công bằng và mang tính ổn định lâu dài để người nộp thuế dễ dàng nắm bắt và thuận tiện trong việc tuân thủ các quy trình kê khai, nộp thuế. Thực hiện đầy đủ, kịp thời và công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi về thuế cho các DN; tạo thuận lợi góp phần giúp DN sớm hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế. Hiện nay, toàn bộ hệ thống thuế đã được kết nối và một số doanh nghiệp đã thực hiện kết nối thông tin với cơ quan thuế và hải quan.

Thuế suất của các sắc thuế cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam và có tính cạnh tranh với các nước, hạn chế tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp... Bên cạnh đó, cần điều chỉnh các chế tài đối với các hành vi trốn, gian lận thuế theo hướng tăng nặng hơn nhằm mang tính răn đe, kết hợp với việc xử lý nghiêm minh, công bằng sẽ làm cho người nộp thuế e dè khi thực hiện các hành vi trốn thuế.

Các cục thuế địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, rà soát số lượng DN đăng ký kinh doanh để phát hiện kịp thời các trường hợp thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý. Tập trung rà soát việc kê khai của các tổ chức, cá nhân, phát hiện ngay các trường hợp kê khai không đúng để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; theo dõi chặt chẽ việc kê khai thuế của các DN có số thu lớn, yêu cầu kê khai sát số phát sinh; đôn đốc thu nộp ngân sách tại địa phương, tăng cường các biện pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và nợ đọng thuế .

Ngoài triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, trong đó tập trung bám sát những DN nợ thuế lớn cũng cần tập trung thanh, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế, đặc biệt các DN có dấu hiệu chuyển giá, kinh doanh qua mạng; DN giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; DN nằm trong danh sách “đen”... Đôn đốc thu kịp thời các khoản thuế truy thu và phạt qua kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán; đôn đốc nhắc nhở kịp thời những đơn vị có tỷ lệ nợ thuế tăng cao.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế. Đồng thời, công khai DN có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nhất là những DN sử dụng hoá đơn bất hợp pháp...

PV
Bạn đang đọc bài viết Làm gì để chống gian lận thuế ngày càng tinh vi? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xử lý hơn 50.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu lực lượng chức năng chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Nhập nhèm khai báo, gian lận thuế tiền tỷ
Được trao quyền tự khai và tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa XNK, nhưng một số DN đã khai báo sai tên hàng, mã số nhằm gian lận thuế và đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, truy thu.