Lãnh đạo EVN và PVN hứa "không để thiếu điện, xăng dầu"

04/03/2024, 07:25

TCDN - Chủ tịch PVN và EVN cam kết với Chính phủ sẽ cung ứng đủ năng lượng điện, xăng dầu cho nền kinh tế trong mọi tình huống.

Tại cuộc gặp mặt đầu xuân của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp nhà nước cần có giải pháp để khai thác hiệu quả hơn nữa tài sản, nguồn vốn rất lớn đang có tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là giải pháp đầu tư; làm mới các động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) để doanh nghiệp nhà nước đi đầu, dẫn dắt, định hướng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Đồng thời, phải là đơn vị đi đầu thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức) để phát huy tối đa khả năng của các doanh nghiệp nhà nước; đóng góp thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước về 3 nội dung lớn (về quản trị, con người, bộ máy).

Tại cuộc gặp mặt này, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết sau 69 năm phát triển, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á. Mặc dù vậy, EVN thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023 cũng có nhiều khó khăn, trong đó đã để xảy ra thiếu điện tháng 5 đầu tháng 6. 

Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: VGP).

Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: VGP).

Tình trạng thiếu điện dù chỉ 2-3 ngày tại miền Bắc nhưng theo ông An, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. "Đây là bài học sâu sắc mà EVN vẫn đang tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có biện pháp khắc phục để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới", ông An chia sẻ.

Ông An khẳng định năm 2024, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt, trong đó đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6.5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

EVN đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỷ kWh (tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023).

Với lĩnh vực xăng dầu, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)cho biết "Petrolimex quyết tâm phấn đấu hoàn thành suất xắc các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sản xuất, kinh doanh an toàn, giữ vai trò chủ đạo trong việc bình ổn giá xăng dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia".

Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Petrolimex (Ảnh: VGP).

Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Petrolimex (Ảnh: VGP).

Đồng thời, Petrolimex tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm điều chỉnh lại mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia phù hợp với thực tế, vì phí dự trữ quốc gia hiện nay ban hành từ năm 2003, đến nay đã qua 21 năm mà chưa thay đổi.

Petrolimex cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng nâng cao chất lượng của các đầu mối, nâng điều kiện làm thương nhân phân phối; quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng...

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định, PVN đã vượt qua rất nhiều khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đạt nhiều kỷ lục mới về doanh thu, nộp ngân sách, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: VGP).

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: VGP).

Lãnh đạo PVN khẳng định năm 2024 sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó mục tiêu xây dựng và phát triển PVN trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực.

Bên cạnh đó, tăng cường chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ và quản trị làm mới, nâng cao hiệu quả động lực truyền thống, bổ sung các động lực mới gắn với dịch chuyển mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng dịch chuyển năng lượng, chuyển đổi xanh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; trong đó doanh thu của riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.

Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo EVN và PVN hứa "không để thiếu điện, xăng dầu" tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước không làm ăn riêng lẻ, phải liên kết tạo ra chuỗi giá trị
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ.