Liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn thấp

27/04/2021, 16:55

TCDN - Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam hơn 30 năm nhưng khối doanh nghiệp FDI chưa mang lại hiệu quả cho nền kinh tế như kỳ vọng. Đặc biệt sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Hơn 33 nghìn dự án FDI nhưng chủ yếu gia công

Từ năm 1987, song hành cùng với quá trình Đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật đầu tư nước ngoài đã được ban hành. Trải qua 3 lần sóng đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Tính đến tháng 12/2020, trải qua 33 năm phát triển và thu hút FDI, đã có 33.070 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù, tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các oạt động sản xuất kinh doanh.

Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, khu vực FDI xuất hiện được 1/3 thế kỷ đủ cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên thành con rồng con hổ nhưng FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp trong nước, sức lan toả về công nghệ, quản trị chưa cao.

Đáng lưu ý, một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương nhưng chưa đóng góp tương xứng, kinh doanh chộp giật, mua bán sáp nhập nếu không kiểm soát tốt ảnh hưởng kinh tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh sự hạn chế của doanh nghiệp FDI cần phải khắc phục như mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Cùng với đó là vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...

"Những tồn tại, hạn chế này đã được nhận diện. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Doanh nghiệp FDI chưa thể hiện được vai trò của mình trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp FDI chưa thể hiện được vai trò của mình trong nền kinh tế.

4 vấn đề trong giai đoạn tới

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, để thu hút thành công nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 4 vấn đề.

Thứ nhất, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và đại dịch Covid-19 vẫn còn là “ẩn số” khó đoán định.

Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ... để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Đồng thời, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch.

Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới.

Thứ tư, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương sẽ tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng. Từ đó, giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để liên kết tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn lâu dài, tôn trọng pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Thời gian tới, khu vực FDI sẽ vẫn tiếp tục là một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng, phồn vinh của Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo, phát triển.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn thấp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Doanh nghiệp Việt liên kết với nhau 'ba bữa là hỏng'
Hiện nay chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam là rất nhiều.