Doanh nghiệp Việt liên kết với nhau "ba bữa là hỏng"

12/03/2021, 17:04

TCDN - Hiện nay chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam là rất nhiều.

Phát biểu tại Hội thảo góp ý Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải kết nối được doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; cần làm sao để doanh nghiệp có thể bổ trợ cho nhau, doanh nghiệp nào đi đầu, dẫn dắt… không rời rạc như hiện nay.

“Hiện nay doanh nghiệp nước ngoài đi theo hướng của họ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia rất ít”, Bộ trưởng nói.

Theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân là tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh  để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI ở Việt Nam là rất nhiều.

Hội thảo góp ý Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.

Hội thảo góp ý Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.

Liên quan đến nội dung này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: khu vực kinh tế tư nhân hầu hết quy mô nhỏ, thiếu các nguồn lực, năng suất thấp và khó tăng. Thiếu vắng doanh nghiệp quy mô vừa và sự dẫn dắt của doanh nghiệp quy mô lớn.

“Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân đơn độc, thiếu liên kết, thiếu các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ”, bà Chi Lan nói và đề xuất tạo lập sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và trên thị trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây cũng là vấn đề Bộ trưởng trăn trở từ nhiều năm nay.

“Văn hóa liên kết của chúng ta rất yếu và kém. Tại sao người Việt lại không liên kết được với người Việt? Doanh nghiệp tư nhân không liên kết được với doanh nghiệp nhà nước? Ngay bản thân trong nội bộ của một doanh nghiệp cũng không liên kết được với nhau”, Bộ trưởng đặt câu hỏi?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng băn khoăn khi các nước có văn hóa liên kết rất tốt, ý thức cộng đồng tương tác hỗ trợ nhau nhưng ở Việt Nam lại rất lỏng lẻo, yếu. Nếu có liên kết được với nhau chỉ "ba bữa là hỏng". 

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã có thử nghiệm liên kết giữa các doanh nghiệp nhưng không thực hiện được vì có thể do văn hóa, do doanh nghiệp lớn chưa lớn hẳn, doanh nghiệp nhỏ nhỏ quá nên không “chạm trán nhau” được.

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá 8,9% tốc độ tăng GDP, chiếm tỷ trọng 43% GPD, đóng góp 15,4% ngân sách nhà nướcthu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kiinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân...

Theo đề án, mục tiêu đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Việt liên kết với nhau "ba bữa là hỏng" tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đề xuất hỗ trợ 15.000 doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn hỗ trợ được hơn 15.000 doanh nghiệp phát triển, ứng dụng, chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ hướng tới phát triển bền vững, bao trùm, thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Doanh nghiệp tư nhân 'không thể lớn lên được'
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, việc không tiếp cận được nguồn lực làm cho doanh nghiệp tư nhân không lớn lên được.
Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thảo luận đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng.