Liên tục thua lỗ, Pomina đối mặt bài toán tái cấu trúc lại cơ cấu doanh nghiệp
TCDN - Sau năm lỗ kỷ lục, Pomina tiếp tục có kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý 1/2023. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, công ty này phải tái cấu trúc và huy động nguồn vốn như thế nào? Đây là hai vấn đề bức thiết các nhà đầu tư quan tâm trong cuộc họp cổ đông sắp tới.
Trước đó, ngày 5/5, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã thông báo đưa cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina vào diện cảnh cáo từ ngày 12/5 do Công ty có lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 hơn 444 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với quy định.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 18/5, Pomina đã đưa ra lộ trình sản xuất kinh doanh 5 năm từ 2023 - 2027. Theo đó, năm 2023, do tình hình bất động sản vẫn chưa hồi phục, công ty xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh chi tiết trong 12 tháng tới với sản lượng sản xuất và tiêu thụ dựa trên các yếu tố của thị trường.
Trong năm 2023, Pomina đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 14.000 tỷ đồng, tăng gần 8% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.080 tỷ đồng và cũng là mức lỗ nặng nhất của ngành thép năm 2022.
Báo cáo tài chính quý 1/2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm mạnh tới hơn 62% so với cùng kỳ, từ hơn 4.356 tỷ xuống còn hơn 1.645 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp báo âm tới hơn 41 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lãi 207,8 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong quý báo lỗ 186 tỷ đồng, giảm 365,7% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty mới chỉ hoàn thành 11,75% kế hoạch doanh thu và còn cách xa kế hoạch lợi nhuận.
Điều đáng nói là liên tiếp trong giai đoạn năm 2020 - 2022, nợ ngắn hạn đều đã vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn của Pomina. Mức chênh này hồi cuối năm 2020 chỉ là 380 tỷ đồng, tăng lên 696 tỷ đồng vào năm 2021 và vọt lên 3.743 tỷ đồng vào năm 2022. Đồng thời, khoản lỗ sau thuế gần 1.080 tỷ đồng của năm 2022 cũng là vấn đề được Công ty Kiểm toán EY nhấn mạnh.
Đến cuối quý 1/2023, lượng tiền mặt tại quỹ của Pomina chỉ còn gần 21 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng quy mô 1.443 tỷ đồng tài sản. Không chỉ là số dư tiền mặt thấp nhất từng ghi nhận tại thời điểm cuối quý kể từ khi Pomina niêm yết, lượng tiền mặt ít ỏi còn có thể là vấn đề lớn nếu các khoản nợ đến hạn không được chi trả.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, Pomina buộc phải tái cấu trúc, lành mạnh hóa tình hình tài chính hiện tại. Một quyết định đáng chú ý đã được HĐQT phê duyệt trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua là, chủ trương chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3 - doanh nghiệp đang sở hữu dự án lò cao mới của Pomina.
Trước đó, lãnh đạo Công ty sẽ tái cấu trúc bằng cách, tách Chi nhánh Nhà máy Thép (Pomina 1) và Chi nhánh Nhà máy Luyện phôi thép (Pomina 3) thành hai công ty cổ phần có pháp nhân độc lập.
Từ tháng 7/2022, Pomina cũng đã tiến hành hoạt động bán tài sản. Thép Pomina 2 - công ty con do Pomina sở hữu 99,5% vốn - đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Tôn Pomina cho các bên liên quan với tổng giá trị 401 tỷ đồng.
Cùng với kế hoạch bán tài sản, Pomina cũng đã thống nhất được với BIDV khoản vay vốn, bảo lãnh và mở L/C với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. BIDV là ngân hàng cho vay với giá trị lớn thứ hai trong các nhà băng đang cấp vốn cho Pomina. Đây đều là các khoản vay cần có tài sản đảm bảo, Công ty có thể cần thế chấp thêm để được giải ngân.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc lỗ lũy kế hơn 440 tỷ đồng trong năm 2022 là do Pomina đã nhanh chóng mở rộng quy mô các khoản vay trong giai đoạn đầu tư nhà máy luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I.
Bổ sung thêm lò cao giúp Pomina mở rộng công suất và đạt được mức doanh thu cao kỷ lục gần 14.000 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức khá khiêm tốn (216 tỷ đồng) do tăng chi phí lãi vay và khấu hao dự án mới.
Cùng với khó khăn chung của thị trường, doanh thu sụt giảm do nhu cầu tiêu thụ thép giảm, trong khi gánh nặng chi phí này vẫn duy trì như một khoản cố định. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Công ty lỗ ròng ngàn tỷ đồng trong năm 2022, “ăn sạch” thành quả lợi nhuận các năm trước.
Tuy dự báo cơn bĩ cực ngành thép đã qua nhưng giá thép giảm trong 2 tháng gần đây đã khiến doanh nghiệp ngành này khó có lãi. Trong đại hội cổ đông tháng 7/2023, tái cấu trúc sau giai đoạn thua lỗ cùng kế hoạch huy động vốn được dự kiến là 2 vấn đề nhà đầu tư đặt ra cho Pomina trong thời gian tới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899