Mặt trận chống thuế đường của giới doanh nghiệp

29/03/2023, 13:35
báo nói -

TCDN - Cuộc chiến chống thuế đường - nỗ lực ngăn cản loại thuế đối với nước giải khát có đường - đã diễn ra gay gắt và kéo dài trên khắp thế giới.

Những người ủng hộ lập luận rằng việc tăng giá đồ uống có đường sẽ làm giảm mức tiêu thụ và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Nhưng với người chống thuế đường, việc ấy chỉ tạo thêm gánh nặng.

Sau nhiều năm, các nghiên cứu vẫn chưa cho kết luận ngã ngũ về hiệu quả của thuế đường. Trong khi đó, ngành công nghiệp soda đã đổ hàng triệu USD vào nỗ lực ngăn chặn thuế đường. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng có lợi.

Các nhà nghiên cứu ở bang California và bang Illinois (Mỹ) phát hiện thuế soda khiến mọi người tiêu thụ ít đường hơn. Một phân tích tổng hợp mà các nhà nghiên cứu công bố vào năm 2021 cho thấy rằng ở 5 địa điểm áp thuế nước ngọt có ga, nhu cầu về đồ uống có đường giảm trung bình 20%.

Nhiều chuyên gia y tế công cộng ủng hộ việc mở rộng áp dụng thuế soda hiện tại ở Mỹ.

Giới doanh nghiệp chi bộn tiền chống thuế đường

Tuy nhiên, ngành công nghiệp soda vẫn tiếp tục chiến dịch chống thuế đường. Dường như họ đã thành công vì từ năm 2018, Mỹ chưa ban hành thêm sắc thuế nào với đồ uống có đường.

Cựu Thống đốc bang New York, ông David Paterson, từng đề xuất đánh thuế soda vào năm 2008. Dù ông không thành công, ý tưởng này bắt đầu thu hút sự chú ý của các thành phố và bang trên khắp nước Mỹ. Năm 2015, Berkeley, California trở thành nơi đầu tiên ở Mỹ đánh thuế đồ uống có đường.

thue duong

Giới doanh nghiệp liên quan soda đã chi ít nhất 2,4 triệu USD để chống thuế đường, theo hồ sơ tài chính chiến dịch của bang California. Mặc dù nỗ lực ấy thất bại, cuộc đấu vẫn chưa chấm dứt.

Dưới sự dẫn dắt của Hiệp hội Đồ uống Mỹ, ngành này thay đổi chiến thuật, tập trung vận động hành lang và rót hàng triệu USD vào một sáng kiến lập pháp. Nếu được thông qua, sáng kiến này sẽ khiến các thành phố tại bang California gần như không thể ban hành thêm bất kỳ khoản thuế nào ở cấp địa phương.

Động thái ấy đã phát huy hiệu quả. Vào năm 2018, các nhà lập pháp bang California đồng ý cấm đánh thuế nước ngọt có ga cho đến năm 2031. Đổi lại, các công ty nước ngọt có ga từ bỏ sáng kiến lập pháp trên. Các thành phố vốn đang chuẩn bị đánh "thuế đường" đã buộc phải dừng lại.

Sau sắc thuế ở Berkeley, những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng từng dự đoán về sự xuất hiện của một làn sóng thuế soda mới trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ một số ít thành phố - bao gồm thành phố Philadelphia, thành phố Oakland của California và thành phố Boulder của Colorado - đã ban hành thuế soda trong những năm sau đó.

Sau khi thành phố Seattle bắt đầu đánh thuế đồ uống có đường vào tháng 1/2018, ngành công nghiệp soda đã chi 22 triệu USD vận động hành lang để đề xuất lệnh cấm thông qua đề xuất này trên toàn tiểu bang Washington.

Tới nay, hầu hết ngành công nghiệp nước ngọt có gas vẫn luôn kiên quyết phản đối việc đưa thuế soda vào chính sách của bang hoặc liên bang ở Mỹ.

“Thuế sẽ không làm cho mọi người khỏe mạnh hơn, mà chỉ khiến họ nghèo hơn”, Hiệp hội Đồ uống Mỹ tuyên bố như vậy trên website.

Làn sóng phản đối

Bên ngoài nước Mỹ, hồi năm 2016, ngành công nghiệp nước giải khát đã tăng cường vận động hành lang chính phủ Anh để loại bỏ hoặc giảm thuế đường của bộ trưởng Tài chính, khi đó là George Osborne.

Họ tài trợ một bữa tiệc đồ uống cho các nghị sĩ đảng Bảo thủ, cũng như đặt những bài quảng cáo ngập tràn các website chính trị.

Tại một bữa tiệc đồ uống tại hội nghị đảng Bảo thủ do ngành này tài trợ, người phát ngôn của Hiệp hội Nước giải khát Anh đã xin bộ trưởng Kinh doanh, khi đó là ông Greg Clark, cùng các nghị sĩ trong Nhóm Cải cách Bảo thủ từ bỏ ủng hộ khoản thuế này.

Greg khẳng định thuế đường sẽ gây hại cho các doanh nghiệp nhỏ và gây mất việc làm vào thời điểm khó khăn cho nền kinh tế. “Bất kỳ ai tin rằng điều này sẽ có tác động rõ rệt đến bệnh béo phì cần phải đặt câu hỏi với quan điểm đó”, ông nói.

Khoản thuế này, bắt đầu được áp dụng vào năm 2018, được cho sẽ làm tăng giá các loại đồ uống như Red Bull, Capri Sun, Sprite và một số phiên bản cola.

Coca-Cola và các công ty nước giải khát khác bị ảnh hưởng bởi thuế đường đã cảnh báo rằng loại thuế này sẽ không làm giảm béo phì.

“Chúng tôi không tin rằng đánh thuế đường là điều nên làm. Chúng tôi không tranh luận về vấn đề, chúng tôi đang tranh luận về giải pháp. Thực tế không cho thấy thuế đường có tác dụng thay đổi hành vi”, Leendert den Hollander, lãnh đạo của Coca-Cola tại Anh, cho biết năm 2016.

Sau đó, nhiều chủ sở hữu thương hiệu nước giải khát đã cải tiến sản phẩm để tránh phải trả thuế.

Mhairi Brown, Giám đốc chính sách và quan hệ công chúng tại nhóm chiến dịch Action on Sugar của Anh, tuyên bố loại thuế này đã khiến 48 triệu kg đường được "loại bỏ khỏi chế độ ăn uống của quốc gia mỗi năm", viện dẫn giai đoạn 2015-2019.

“Các biện pháp như vậy hiện phải được chính phủ ủng hộ và bảo vệ để giúp ngăn chặn những cái chết và nỗi đau không cần thiết của hàng nghìn người do chế độ ăn uống không lành mạnh gây ra, đồng thời tiết kiệm cho Dịch vụ Y tế Anh (NHS) hàng tỷ bảng mỗi năm”, ông Brown nhận định.

Theo nghiên cứu do các chuyên gia Đại học Cambridge dẫn dắt, thuế đường đánh vào nhiều loại đồ uống có thể đã ngăn chặn hơn 5.000 trường hợp béo phì mỗi năm trong nhóm bé gái đang học năm cuối tiểu học.

“Đây là lý do Anh đưa ra thuế với ngành nước giải khát và bằng chứng cho đến nay rất hứa hẹn”, tiến sĩ Nina Rogers, thuộc đơn vị dịch tễ học của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa tại Đại học Cambridge, nhận định.

Trong khi đó, tại Nam Phi, chính phủ đã trì hoãn kế hoạch tăng thuế đường gây tranh cãi đến tháng 4. Hiệp hội những người trồng mía Nam Phi (SA Canegrowers) vẫn tiếp tục tranh luận về việc bỏ toàn bộ thuế để hỗ trợ ngành đang suy thoái.

Áp lực của hạn hán, đường nhập khẩu giá rẻ từ Brazil và Swaziland, giá phân bón tăng và tác động kéo dài của các cuộc bạo loạn vào tháng 7/2021 - đã gây thiệt hại lớn cho ngành mía thô ở Nam Phi. Thực trạng này tiếp tục cản trở sự tăng trưởng của ngành đường của Nam Phi.

Thomas Funke, Giám đốc điều hành của SA Canegrowers, cho biết các loại thuế bổ sung trong lĩnh vực này sẽ khiến những người trồng mía phải “đấu tranh để sinh tồn”.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Mặt trận chống thuế đường của giới doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899